Tôi cho rằng khi sống và học tập ở xã hội phát triển, mỗi người tối thiểu cũng phải biết được hai ngoại ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ. Gia đình tôi sống ở tỉnh nên điều kiện để con học ngoại ngữ không thể tốt bằng ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM trong những năm 2010. Thời đó, trung tâm ngoại ngữ rất ít.
Khi con tôi vào lớp 3, tôi bắt đầu cho đi học thêm ngoại ngữ ở trung tâm cho đến hết cấp tiểu học thì tạm ngưng một năm. Vào THCS, đến lớp 7, con mới bắt đầu đi học lại. Vì tôi định hướng sau này lên bậc Đại học, con sẽ học ở môi trường quốc tế, nên phải học tiếng Anh thật tốt.
Về mảng học ngoại ngữ này, con tôi gần như không gặp khó khăn gì, hầu như học nhảy khóa sau các bài kiểm tra. Mỗi tuần, con chỉ đến trung tâm học ba tiếng, về nhà cũng tự học, chẳng có môi trường thực tập thường xuyên như ở nước ngoài. Ấy vậy mà sau vài năm, khả năng sử dụng tiếng Anh của con vẫn khá tốt, nên xin tôi cho đi học thêm tiếng Nhật.
Vào Đại học, con học chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí, ngôn ngữ chính giảng dạy là tiếng Anh, ngoài ra trường dạy thêm cả tiếng Đức. Đến nay, con tôi đang học năm thứ ba. Tiếng Anh và tiếng Nhật con sử dụng thành thạo, còn tiếng Đức đang học cấp B2.
Con thứ hai của tôi lại đi học tiếng Anh ở trung tâm từ lớp 2. Tới lớp 5, con tham gia cuộc thi ngoại ngữ online, đạt huy chương quốc gia. Nay con đang học lớp 11, dự kiến vào Đại học nơi anh trai đang học.
Con lớn của tôi nói rằng "học ngoại ngữ chẳng có gì vất vả bằng học chuyên ngành đang học". Thời điểm dịch bệnh, con tôi không thể tập trung ở trường để học, nên phải tự học qua video do giảng viên gửi. Một môn học có khoảng 32 video thời lượng hai tiếng mỗi video.
>> Con thạo ba ngoại ngữ vì được học từ ba tuổi
Trong khi đó, tôi lại thấy nhiều cháu không thể học nổi tiếng Anh. Nhưng tiếng Nhật lại học rất tốt. Tôi cho rằng vấn đề cách học như thế nào thôi? Một thực tế làm cho học viên chán nản là các trung tâm dạy ngoại ngữ thường yêu cầu giáo viên chạy theo tiến độ bài giảng. Nên học sinh đôi khi chưa nắm vững kiến thức bài trước đã phải đua theo bài sau. Dẫn đến việc học viên chán nản sau vài khóa học rồi nghỉ hẳn.
Ngày con tôi học tiếng Nhật, khóa đầu tiên khai giảng có hai lớp với khoảng 50 học viên. Hết cấp độ N5 sang N4 chỉ còn 30% người học, khi chuyển qua N3 chỉ còn lại đúng năm học viên, dẫn đến trung không thể tổ chức lớp được, đành phải chờ ghép. Mà tiếng Nhật chỉ cần ngưng vài tháng mà không chịu khó ôn luyện thì coi như bỏ. Con tôi muốn học tiếp nên phải tìm thầy dạy kèm riêng để học với chi phí ba triệu/ tháng (tám buổi, mỗi buổi hai tiếng).
Nói vậy để thấy, khi bạn học tập và sống trong môi trường thuận lợi, thì việc học ngoại ngữ cũng là chuyện rất bình thường.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.