![]() |
Phi hành gia Yuri Gagarin chụp ảnh cùng vợ và con gái trên bờ sống Klyazma thuộc vùng Vladimir. Ảnh: AFP. |
Phi hành gia người Nga Yuri Gagarin nổi tiếng khắp thế giới sau khi ông trở thành người đầu tiên trên trái đất bay vào vũ trụ 50 năm trước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên với giới truyền thông phương Tây, con gái của ông, Elena Gagarina kể rằng chuyến bay lịch sử của ông đã thay đổi cuộc sống của cả gia đình.
“Nguyện vọng của cha tôi là bay vào vũ trụ một lần nữa. Ông thích chuyến bay đầu tiên, song nó diễn ra quá nhanh. Cha tôi muốn tiếp tục làm phi hành gia, vì thế ông buồn khi biết ông không được bay lên vũ trụ nữa”, Elena mở đầu buổi nói chuyện với BBC.
Vào ngày Gagarin bay vào vũ trụ năm 1961, Elena mới chỉ là cô bé hai tuổi. Hồi ấy gia đình Gagarin sống tại căn cứ không quân Murmansk thuộc Bắc Cực, nơi Gagarin làm phi công thử nghiệm.
Một ngày trong năm 1959, một nhóm chuyên gia tuyển dụng tới căn cứ không quân để lựa chọn ứng cử viên cho chương trình huấn luyện nhà du hành đầu tiên của Liên Xô.
Trong số 2.200 người đăng ký tuyển, chỉ có 20 người được chọn ở vòng đầu tiên. 11 tháng sau đó, họ phải trải qua chương trình huấn luyện cực kỳ khắc nghiệt để kiểm tra giới hạn về sức mạnh thể chất lẫn tinh thần của con người. Một trong những kỹ thuật huấn luyện là đưa học viên vào phòng biệt lập. Đó là một phòng nhỏ, không có cửa sổ. Học viên không được đeo đồng hồ và cũng không được thông báo mục đích của việc sống trong phòng biệt lập. Đôi khi họ ở đó trong 21 ngày, với nhiệt độ dao động từ -50 tới 50 độ C.
Sáu trong số 20 học viên được lựa chọn vào giai đoạn huấn luyện cuối cùng. Hai ngày trước khi chuyến bay diễn ra, Gagarin mới được thông báo rằng ông được chọn để bay đầu tiên.
Khi được hỏi liệu tính cách và nụ cười nổi tiếng của Gagarin có phải là một nhân tố khiến ông được lựa chọn, Elena đồng ý.
“Đúng, cha tôi sống hướng ngoại và quan tâm tới mọi người. Nhưng tất cả sáu học viên trong giai đoạn cuối đều được huấn luyện rất kỹ, thậm chí quá kỹ vì chẳng ai biết những tác động của môi trường chân không đối với cơ thể người. Họ được đào tạo để có thể ra quyết định cực nhanh. Cha tôi tỏ ra đặc biệt nhanh trong những tình huống khó và tôi nghĩ đó là lý do khiến ông được chọn”, Elena nhận định.
Elena cho rằng cha của bà rất khỏe, cực kỳ bình tĩnh và thể hiện tính kỷ luật ngay cả trong giấc ngủ.
“Hồi ấy cha tôi mới 27 tuổi và chưa từng biết tới một cơn đau nào bên trong cơ thể. Nếu cha trở về nhà trong trạng thái mệt mỏi, ông sẽ bảo với mẹ tôi rằng ông chỉ có 40 phút để ngủ. Sau đó ông thức giấc sau đúng 40 phút mà không cần chuông báo thức”, bà nhớ lại.
![]() |
Bà Elena Gagarina, con gái của nhà du hành Yuri Gagarin. Ảnh: BBC. |
Cuộc sống của Gagarin và gia đình thay đổi mãi mãi từ khi ông trở về an toàn sau chuyến bay vòng quanh trái đất vào ngày 12/4/1961. Trên thực tế chuyến bay không hề diễn ra êm ả như các tờ báo thời đó đưa tin.
Gagarin không tiếp đất bằng khoang hạ cánh, mà phải nhảy ra khỏi nó ở độ cao 7 km và tiếp đất bằng dù do những dây cáp nối tàu Phương Đông với khoang hạ cánh không tách ra khi tàu trở về.
Nhà du hành xoay tít theo mọi hướng trong khoảng 10 phút và gần như bất tỉnh khi lớp vỏ bên ngoài của khoang hạ cánh bốc cháy và nhiệt độ bên trong tăng lên chóng mặt.
“Chúng tôi biết mức độ nguy hiểm của chuyến bay từ những tài liệu và băng ghi âm mà chính phủ vừa công bố. Song cha không bao giờ nói về những khó khăn một cách chi tiết với mẹ và tôi. Tất nhiên, cha biết rằng có thể ông sẽ không bao giờ trở về. Khi cha chuẩn bị lên đường tới căn cứ vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, ông bảo mẹ rằng ông sắp bay, song không nói ngày cụ thể”, Elena tâm sự.
Nhà du hành đầu tiên trong lịch sử từng viết một lá thư cho vợ, nói rằng việc ông không bao giờ trở về có thể xảy ra, bởi chuyến bay cực kỳ nguy hiểm.
“Nhưng cha không bao giờ đưa cho mẹ lá thư ấy. Mẹ tôi vô tình thấy lá thư trong những thứ mà cha mang theo khi trở về nhà. Ông không muốn mẹ tìm thấy nó và xin mẹ vứt nó. Tất nhiên mẹ tôi giữ lại lá thư”, Elena nói.
“Chuyến bay của cha khiến cuộc sống của chúng tôi thay đổi mãi mãi. Cha và mẹ tôi hầu như không thể có cuộc sống riêng tư nữa. Họ có rất ít cơ hội bên nhau riêng sau chuyến bay. Cha tôi rất thích đi đây đi đó để tìm hiểu thế giới xung quanh, nhưng ông không thể thực hiện sở thích ấy. Ngay cả khi nếu ông chuẩn bị đi đâu đó, kế hoạch của ông luôn bị phá hỏng bởi những người muốn thấy, nói chuyện và chạm vào ông. Cha nhận ra sự nổi tiếng là một phần công việc của ông và ông không thể từ chối nó”, Elena khẳng định.
Danh tiếng và sự chú ý mọi nơi, mọi lúc của công chúng là áp lực rất lớn đối với Gagarin. Thậm chí nó còn đáng sợ hơn áp lực mà nhà du hành phải chịu đựng trong những ngày trước chuyến bay.
Mặc dù Gagarin muốn quay trở lại vũ trụ, giới chức Liên Xô lại ngăn cản ước nguyện ấy, bởi ông là anh hùng dân tộc. Ông được giao nhiệm vụ đào tạo các phi hành gia rồi làm tiếp tục học tại Học viện Quân sự và Hàng không Zhukovsky.
“Khi chiến tranh kết thúc, ông dồn hết thời gian và tâm huyết cho việc học. Ông nắm lấy mọi cơ hội mà ông có. Cha tôi quan tâm tới mọi lĩnh vực: lịch sử, văn học, nghệ thuật, cơ khí, thể thao và khoa học. Ông thích đọc sách và có trí nhớ rất tốt. Cuộc sống khốn khó thời thơ ấu ảnh hưởng tới thói quen làm việc chăm chỉ của cha tôi, bởi hầu như ngày nào ông cũng làm việc tới 20 tiếng. Mà có lẽ đó không phải do thời thơ ấu gian khó, đơn giản là vì bố tôi thích tìm hiểu mọi thứ”, Elena kể.
Tại Học viện Zhukovsky ông thể hiện khả năng học tập xuất chúng với bản thiết kế loại tàu vũ trụ có cánh cố định giống hệt tàu con thoi của Mỹ ngày nay. Gagarin tốt nghiệp tháng 2/1968 với tấm bằng xuất sắc. Ngày 27/3 năm đó, ông thiệt mạng trong một lần huấn luyện bay với phản lực cơ chiến đấu MiG-15 cùng với một phi công. Đám tang của ông được tổ chức vào ngày 30/3/1968.
Việt Linh