Theo bà Đức, trong phiên đấu giá đầu tháng 7 vừa qua, bà đã cùng với bạn hùn vốn đặt cọc 15,25 triệu đồng để mua 5.000 cổ phiếu của tập đoàn Bảo Việt. Tuy nhiên, buổi chiều ngày bỏ phiếu, bà nhận được thông báo họp gấp, do vội về nên bà đã... quên ký tên vào phiếu tham dự đấu giá.
Kết quả là bà Đức không trúng thầu và cũng không lấy được tiền đặt cọc dù đã gần hai tháng trôi qua, hỏi ra mới biết nguyên nhân phạm quy là không ký tên vào phiếu tham dự đấu giá.
Bà Đức cho biết, đây không phải lỗi do bỏ các mức giá sai hay cố tình gây rối, mà chỉ là lỗi nhỏ do sơ suất. Vì vậy bà đã làm đơn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà nội, Tổng công ty Bảo Việt và Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Tuy nhiên, các cơ quan này lại cứ hẹn lần hẹn lượt và không có câu trả lời hay giải thích thỏa đáng cho bà Đức. Thậm chí, một nhân viên giao dịch BVSC còn nói: "Chị cứ coi như mất".
"Thiết nghĩ, trước khi bỏ phiếu giá, BVSC phải thông báo quy chế đấu giá và có nhân viên hướng dẫn cụ thể cho các nhà đầu tư vì đây là lĩnh vực mới. Hơn nữa, hầu hết người dân vẫn chưa hiểu rõ luật đấu thầu cổ phiếu", bà Đức bức xúc nói.
![]() |
Nhà đầu tư tham dự một phiên đấu giá. Ảnh: ĐTCK. |
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, ông Phạm Quang Huy, Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt, cho biết, trước mỗi lần đấu giá, công ty đều khuyến cáo nhà đầu tư đọc kỹ quy chế đấu giá để tránh những sai sót đáng tiếc. Những quy chế này đều được công bố công khai. Nhưng gần như lần nào đấu giá cũng có trường hợp vi phạm hoặc xảy ra sai sót do không đọc kỹ. Trong lần đấu giá hồi tháng 7 có tới hơn 200 trường hợp mắc lỗi và tổng số tiền thu được từ những lỗi này lên đến hàng tỷ đồng.
Trong các phiên đấu giá, BVSC cũng thường bố trí nhân viên hướng dẫn nhà đầu tư, song thông thường các buổi đấu giá rất đông nên không thể hướng dẫn cụ thể từng người được. Do vậy, ông Huy cho rằng, để tránh mất tiền, nhà đầu tư nên dành thời gian tìm hiểu thật kỹ những quy định đấu giá của công ty mà mình muốn tham gia.
Với trường hợp của bà Lê Thị Kim Đức, ông Huy cho biết, việc công ty không trả lại tiền đặt cọc là có cơ sở bởi bà đã vi phạm điều 16 và điểm 9.1 về Xử lý các trường hợp vi phạm trong Quy chế bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài của Bảo Việt. Phiếu tham dự đấu giá của bà Đức không hợp lệ vì đã không ký tên nhà đầu tư.
Lỗi của BVSC ở đây là đã không giải thích rõ cho bà Đức hiểu về lý do không trả lại tiền đặt cọc để bà phải chạy đi chạy lại khiếu nại khắp nơi.
Điều 16: Xử lý các trường hợp vi phạm 16.1 Những trường hợp sau đây bị coi là vi phạm quy chế bán đấu giá và nhà đầu tư không đựơc nhận lại tiền đặt cọc: Không nộp phiếu tham dự đấu giá; Phiếu tham dự đấu giá không đáp ứng quy định tại điều 11 và điểm 9.1 của quy chế này hoặc bị rách, nát, tẩy xóa, không xác định được giá hoặc khối lượng đặt mua, không ký vào phiếu tham dự đấu giá; Đăng ký nhưng không đặt mua (toàn bộ hoặc một phần), sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc tương ứng với số cổ phần không đặt mua; Bỏ giá thấp hơn giá khởi điểm; Không ghi giá và/hoặc khối lượng trên Phiếu tham dự đấu giá... Điểm 9.1. Nhà dầu tư tự điền phiếu tham dự đấu giá. Phiếu tham dự đấu giá hợp lệ là: - Phiếu do đại lý cấp; có đóng dấu treo của nơi cấp phiếu và đảm bảo điền đầy đủ, rõ ràng các thông tin theo quy định. Phiếu không được tẩy xóa hoặc rách nát; giá đặt mua không thấp hơn giá khởi điểm; tổng số cổ phần đặt mua tối đa bằng mức đăng ký. Phiếu tham dự đấu giá phải được bỏ trong phong bì có chữ ký của nhà đầu tư trên mép dán phong bì theo quy định... (Trích: Quy chế bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài của Bảo Việt) |
Hà Vy