Đại diện HNX cho biết việc xem xét thành phần cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số HNX 30 được thực hiện căn cứ vào bộ nguyên tắc xây dựng và quản lý chỉ số HNX 30, với chuỗi dữ liệu về tình hình giao dịch của toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên HNX trong 12 tháng gần nhất tính tới ngày xem xét (từ 1/10/2011 đến 30/9).
Cụ thể, các bước xem xét định kỳ điều chỉnh bổ sung rổ HNX 30 như sau: Bước 1, tính giá trị giao dịch bình quân phiên trong 12 tháng gần nhất, sau đó chọn 100 mã có giá trị giao dịch bình quân phiên lớn nhất (top 100 giá trị giao dịch) và có thời gian niêm yết từ 6 tháng trở lên, không trong diện bị kiểm soát.
Bước 2, trong top 100 giá trị giao dịch, chọn 70 mã có mức vốn hóa thị trường sau khi điều chỉnh khối lượng tự do chuyển nhượng (FFMC) bình quân 12 tháng gần nhất, lớn nhất (top 70). Bước 3, chọn 25 trong số 30 mã chứng khoán trong rổ HNX 30 hiện tại. Theo đó, trong số 30 mã chứng khoán trong rổ hiện tại, mã nào không thuộc top 100 giá trị giao dịch sẽ bị loại.
Các mã có hơn 4/12 tháng có tỷ lệ r < 0,02% sẽ bị loại (r được tính căn cứ tổng khối lượng giao dịch từng phiên của mỗi tháng). Các mã có 8/12 tháng có tỷ lệ r ≥ 0,02%, chọn 25 mã có FFMC lớn nhất (trong trường hợp không đủ 25 mã sẽ lựa chọn thêm ở bước tiếp theo). Bước cuối cùng, chọn 5 mã chứng khoán trong top 70, theo phương pháp: tính tỷ lệ r của 12 tháng gần nhất; tất cả mã chứng khoán có 6/12 tháng có tỷ lệ r < 0,02% sẽ bị loại; các mã có 6/12 tháng có r ≥ 0,02% sẽ xem xét loại bỏ các chứng khoán đặc biệt theo yêu cầu của Hội đồng chỉ số (nếu có); chọn 5 mã có FFMC lớn nhất và đảm bảo số chứng khoán mỗi ngành không vượt quá 20% số lượng chứng khoán trong rổ.
Với mã PVI, tại bước 1 và 2, có giá trị giao dịch bình quân phiên trong 12 tháng nằm trong top 100 cổ phiếu có giá trị giao dịch bình quân phiên lớn nhất và trong nhóm 70 cổ phiếu có mức vốn hóa thị trường có điều chỉnh khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng bình quân 12 tháng gần nhất (từ 1-10/2011 đến 30/9).
Sau các vòng lọc trên, cổ phiếu PVI đứng thứ 12/70 cổ phiếu có mức vốn hóa thị trường có điều chỉnh khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng bình quân 12 tháng gần nhất. Căn cứ vào kết quả này, HNX đã kiểm tra thanh khoản của PVI theo tỷ lệ khối lượng giao dịch trung vị r (sắp xếp theo thứ tự từ cao đến thấp, chọn khối lượng giao dịch ở giữa làm trung vị). Kết quả cụ thể, tỷ lệ r của PVI đạt tiêu chuẩn như quy định tại bước 3 và được lựa chọn nằm trong nhóm 25/30 cổ phiếu được tiếp tục tham gia trong rổ tính chỉ số HNX 30 cho kỳ 6 tháng tiếp theo.
Việc xem xét lựa chọn cổ phiếu vào rổ tính chỉ số HNX 30 được giám sát bởi Hội đồng chỉ số có uy tín theo nguyên tắc đề ra ban đầu, đảm bảo chỉ số HNX 30 luôn bám sát và phản ánh đúng các tiêu chí về tính thanh khoản cũng như giá trị vốn hóa thị trường.
Trên góc độ tạo ra cầu nối giữa các nhà đầu tư và cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, dưới đây là một số chia sẻ:
Ngày 13/11, kết thúc phiên giao dịch, NTP (Nhựa Tiền Phong) là cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất trong rổ HNX 30 chỉ với 900 cổ phiếu. Khối lượng cổ phiếu lưu hành của NTP tính bằng hàng chục triệu (hơn 43 triệu cổ phiếu), trong khi khối lượng giao dịch chỉ tính bằng… hàng trăm, hàng nghìn, cho thấy sự nghèo nàn về thanh khoản đến mức nào. Về mặt cảm quan, thanh khoản ở ngưỡng “coi được” ít nhất phải từ 100.000 cổ phiếu trở lên, những cổ phiếu có dấu hiệu được làm thanh khoản cũng đều từ ngưỡng này trở lên.
Nhưng điểm sơ qua trong rổ HNX 30 có khoảng 20% cổ phiếu thường không đạt được 100.000 cổ phiếu/phiên thời gian gần đây. Đã có nhiều bài báo chỉ ra một số bất cập của HNX 30 như chất lượng hàng hóa không cao, mới đây lại là vấn đề thanh khoản.
Một trong những mục đích của các cơ quan quản lý khi lập ra các chỉ số là để phục vụ cho các thành phần nhà đầu tư. Nhưng với tình hình hiện nay, e rằng số lượng nhà đầu tư có thể tận dụng một điều gì đó từ HNX 30 có thể chưa nhiều.
Qua đây có thể thấy được sự nghèo nàn trong thanh khoản của HNX 30 và khả năng được các quỹ đầu tư nước ngoài (chắc chắn yêu cầu về thanh khoản sẽ cao hơn) nói chung và quỹ ETF nói riêng ngó đến rồi mô phỏng theo vẫn còn khá xa vời.
Về khoảng thời gian chạy dữ liệu để chọn cổ phiếu vào HNX 30 trong khoảng thời gian 12 tháng cũng có khá nhiều vấn đề. Thị trường chứng khoán Việt Nam thường có những biến động cực kỳ khó lường nói chung và từng cổ phiếu nói riêng. 1 năm có thể là quãng thời gian không quá ngắn, cũng không quá dài, với kỳ hạn của ngân hàng được xem là trung hạn, nhưng thực tế trên thị trường chứng khoán đã là… dài. Hiện tượng cổ phiếu hôm nay cháy hàng, lệnh mua giá trần chất cao vút, hôm sau bán sàn không ai mua cũng là minh chứng cho tính chất thiếu ổn định của thị trường.
Sử dụng một khoảng thời gian quá dài để áp dụng trong giai đoạn thị trường diễn biến khó lường như hiện nay có vẻ như không phù hợp để phản ánh các chỉ tiêu liên quan đến thanh khoản. Hiểu cách đơn giản, có thể trong giai đoạn đầu của một khoảng thời gian, cổ phiếu có thanh khoản rất tốt nên dù lúc sau có èo uột thì số trung bình tính ra vẫn khá cao.
Do vậy, HNX nên tính đến phương án thu hẹp quãng thời gian thu thập dữ liệu, hoặc nên có những chỉ tiêu đo lường khác liên quan đến thanh khoản hợp lý hơn. Sự thay đổi này không phải là thiếu nhất quán, nhưng cho thấy sự linh hoạt của các cơ quan quản lý trong việc nắm bắt nhịp đập của thị trường. Nhưng nếu “chiếu” theo thanh khoản, lại có thể xuất hiện những rủi ro khập khiễng khác.
Nói cách đơn giản, chọn được 30 cổ phiếu vào HNX 30 đã có khá nhiều mã không thực sự chất lượng. Vì vậy, nếu nâng tiêu chí thanh khoản lên có thể dẫn đến những kịch bản: Hoặc sẽ lại xuất hiện hàng dạt vào rổ nhờ có thanh khoản cao, làm giảm chất lượng hàng hóa, hoặc thậm chí sẽ chẳng chọn được cổ phiếu nào phù hợp.
Theo Sài Gòn đầu tư tài chính