Không tính chứng chỉ quỹ, mã BBT của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết đang có mức giá chào bán thấp nhất sàn HOSE, đóng cửa hôm 10/12 ở 4.500 đồng một cổ phiếu. Tên tuổi cũng gây sự chú ý trong nhóm này là trường hợp của KMR (Công ty cổ phần Mirae), giá cổ phiếu gần như chỉ một chiều đi xuống, từ mức giá chào sàn 60.000 đồng (ngày 30/6) xuống còn 5.800 đồng. Vào giữa tháng 8, công ty này đã có quyết định khá táo bạo là xin ý kiến cổ đông về việc niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc. Bình quân mỗi phiên từ đầu tháng 12 đến nay KMR giao dịch thành công 30.000 cổ phiếu, giảm gần gấp đôi so với đầu tháng 11.
Nhóm cổ phiếu dưới hoặc ngang mệnh giá chưa hẳn đã rẻ. Ảnh: H.P. |
Theo Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Bản Việt Hoàng Thị Hoa, danh mục cổ phiếu trị giá thấp rơi vào những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; sụt giảm lợi nhuận so với năm trước, đơn cử như DXV, VFC, VTA... Tuy nhiên, vẫn có trường hợp do xu hướng đi xuống chung của thị trường nên giá cổ phiếu cũng bị "vạ lây". Nhà đầu tư nhận thấy những khó khăn của doanh nghiệp đã và đang chực chờ nên quyết định xả hàng, kéo giá cổ phiếu đi xuống.
Thống kê từ Phòng phân tích Bản Việt, nhóm doanh nghiệp đạt lợi nhuận âm sau 3 quý có thể kể đến BBT lỗ 9,3 tỷ đồng; VNE âm 54,1 tỷ đồng, giá chỉ còn 6.100 đồng. TCM, VHG thua gần 7 tỷ đồng tính đến hết tháng 9, lượng thực hiện bình quân 8 phiên gần đây tương ứng lần lượt 66 nghìn, 33 nghìn cổ phiếu. Nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không cải thiện, theo Bản Việt, nhiều khả năng sẽ dẫn đến tình trạng mất vốn. Ví như, BBT, tỷ lệ mất vốn do làm ăn thua lỗ hiện khoảng 14%, TCM 16% và VNE là 18%.
Đóng cửa phiên giao dịch 10/12, có thêm 12 mã chốt ở 10.100-10.900 đồng, không ít trong số đó chuẩn bị nhập vào cuộc đua giảm giá trên sàn HOSE.
Đứng ở góc độ nhà đầu tư, anh Quốc Khánh, sàn ACBS chia sẻ, số mã giảm dưới mệnh giá ngày càng có chiều hướng tăng. Thực trạng này không còn gây bất ngờ cho nhà đầu tư như thời điểm đầu tháng 6, khi trên sàn HOSE bỗng có mã rớt xuống 10.000 đồng. Nhà đầu tư đã "trưởng thành" hơn sau những mất mát từ đầu năm cho nên cổ phiếu dưới mệnh giá, nếu do bản chất doanh nghiệp làm ăn kém, sẽ khó "bẫy" được họ.
Theo ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán SME: "Cổ phiếu dưới mệnh giá tuy thấp nhưng chưa hẳn đã rẻ".
Tiêu chí cần quan tâm trước hết đến doanh nghiệp là ROE (hệ số thu nhập trên vốn cổ phần), chỉ số này không đả động đến quy mô doanh nghiệp, mà chỉ phản ánh hiệu quả sử dụng đồng vốn ra sao. Một yếu tố cũng khá quan trọng theo ông Lân, là xem tỷ lệ nợ vay phải ở mức vừa phải, không nên cao gấp đôi vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, hàng tồn kho cũng không được tăng đột biến, vì nếu vậy chứng tỏ sức tiêu thụ mặt hàng công ty đã suy giảm.
Giám đốc khối phân tích kỹ thuật Công ty chứng khoán EuroCapital, ông Ngô Văn Minh cũng cho rằng cổ phiếu dưới mệnh giá chỉ là một trong số những tiêu chí chọn lựa đầu tư hiện nay. Ngoài ra, còn phải chú ý đến tiềm năng tăng trưởng, cơ cấu nợ vay, tính thanh khoản, quản trị doanh nghiệp, giá trị thị trường cổ phiếu so với giá trị sổ sách, dòng tiền thu về so với các khoản chi phí khác, hàng tồn kho, nợ phải thu... để ra quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, với trường hợp giá cổ phiếu đi xuống do tình hình chung của thị trường, cơ hội mua vào hiện nay để đầu tư dài hạn sẽ có mức lời 30-50% trong tương lai. Theo bà Hoa, một số cổ phiếu vẫn có tăng trưởng lợi nhuận nhưng lại bị bán tháo mạnh thời gian qua, như VID, TPC, dù lợi nhuận sau thuế tăng đều khoảng 20% một năm.
Thế nhưng đi cùng với cơ hội sinh lời hấp dẫn này là một loạt những rủi ro mà nhà đầu tư gặp phải, nhất là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, khả năng cầm cự không dài hơi. Theo giới phân tích, trong bối cảnh giá nhiều blue-chip đã đến mức hấp dẫn như hiện nay thì việc đầu tư vào những cổ phiếu giá rẻ càng cần phải thận trọng và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Bạch Hường