Điều này còn chưa kể đến những tác động xấu tới sức khỏe tâm lý mà "kẻ rình mò" phải chịu, bao gồm sự căng thẳng và kiệt sức về cảm xúc.
Theo nhà trị liệu tâm lý Rachel Morris, việc rình mò, xem trộm điện thoại/lục ví nửa kia là một cách để tránh đối đầu hoặc thừa nhận cảm giác bất an. Chuyên gia này giải thích: "Điều này giống như thể bạn đang nói: Tôi cần được trấn an nhưng không thể yêu cầu'.
Nhà trị liệu cũng cho biết, hành vi này có nghĩa là một hoặc cả hai phía gặp khó khăn trong việc giao tiếp trung thực, cởi mở. "Kẻ rình mò" tìm cách xác nhận những nghi ngờ của mình chứ không phải là để phủ nhận chúng. Trong trường hợp sau khi "kiểm tra", bạn thấy những nhận định của mình là sai, bạn sẽ mất niềm tin vào bản thân vì không thể tin tưởng vào phán đoán của chính mình. Điều này thậm chí có thể tệ hơn việc phát hiện ra mình đúng - bất kể sự thật đó khó chịu đến mức nào".
Vậy thì, có nên rình mò, xem trộm các món đồ cá nhân của nửa kia không?
Tiwa, một nhân viên ngân hàng 36 tuổi nói cô thấy không có gì sai khi "kiểm tra" điện thoại của chồng: "Tôi lấy anh ấy đã hơn 9 năm và thường lục ví, túi anh ấy hoặc xem điện thoại của anh ấy. Hẳn nhiên, tôi tin tưởng anh ấy 100%, anh ấy cũng không bao giờ cho tôi lý do để nghi ngờ, nhưng lục lọi đã trở thành thói quen. Đôi khi tôi còn chẳng biết mình tìm gì. Tôi không cố bắt lỗi anh ấy, tôi chỉ tò mò muốn biết mọi thứ về anh ấy thôi. Hơn thế nữa, tôi là vợ, tôi có quyền được biết mọi thứ liên quan đến anh ấy".
Tiwa cho biết cô sẽ chất vấn chồng nếu như thấy tin nhắn lạ, trong khi chồng cô đã quen với việc này và để vợ tiếp tục với thói quen của cô. Nữ nhân viên cũng thừa nhận chồng chẳng bao giờ ngó điện thoại cô.
Trong khi đó, Ifeoma, hiệu trưởng một trường trung học không đồng ý với Tiwa. "Không nên vì bất cứ lý do nào rình mò bạn đời của bạn. Nếu bạn nghi ngờ gì đó, hãy thẳng thắn với anh ta thay vì rình mò lén lút. Tôi từng có bạn trai thường kiểm tra các tin nhắn điện thoại của tôi, và tôi cho rằng đó là sự xâm phạm quyền riêng tư!". Cô Ifeoma cho rằng chỉ nên xem điện thoại, ví của nửa kia khi có được sự đồng ý: "Nếu bạn rình mò sau lưng người đàn ông của mình hơn là giao tiếp cởi mở thì bạn là người không trung thực. Nếu bạn không thể tin tưởng người đàn ông của mình, tại sao bạn lại ở bên anh ấy?. Cả hai đều có cuộc sống riêng, và chính điều đó giúp mối quan hệ lành mạnh hơn".
Theo Justin Stenstrom - tư vấn viên của Lifehack, có 4 lý do chính mà bạn không nên xâm phạm vào đồ cá nhân của nửa kia.
Bạn làm tổn thương sự tin tưởng của đối tác dành cho mình
Đối tác đã đặt niềm tin vào bạn bằng cách để điện thoại của họ ở chế độ mở hoặc cho bạn biết mật khẩu. Họ đã thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng vào bạn, vì vậy, bạn cũng nên đáp lại họ bằng thái độ tương tự. Việc bí mật rình mò điện thoại của họ cũng không khác gì việc phá vỡ sự tin tưởng và tôn trọng này.
Bạn phá hỏng mối quan hệ
Sự bất an trong lòng bạn khi bạn nghĩ rằng họ không chung thủy, họ có điều giấu giếm bạn... sẽ nói lên rất nhiều điều về vị trí thực sự của bạn với đối phương.
Nhiều kịch bản tiêu cực khác nhau có thể xuất hiện
Nếu đối tác bắt gặp bạn làm điều này, rất có thể họ sẽ muốn cắt đứt quan hệ. Bạn cũng có thể thấy điều gì đó mà bản thân không muốn thấy, và nó sẽ khiến bạn suy nghĩ, bị ảnh hưởng rất nhiều.
Bạn không muốn người khác kiểm tra điện thoại, ví... của mình
Hãy đối xử với người khác như cách mà bạn muốn họ đối xử với mình. Thay vì cố gắng xem trộm điện thoại khi họ vắng mặt, hãy cố gắng thẳng thắn và trung thực hơn với nhau về mọi thứ.
Thùy Linh (Theo Vanguard, Lifehack)