Hoa Nip -
Tất cả vẫn còn đi trên đường
Đọc Kitchen của Banana Yoshimoto, Biển của John Banville, Cuộc đời của Pi của Yann Martel, Con nhân mã trong vườn của Moacyr Scliar, Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, Giăng lưới bắt chim của Nguyễn Huy Thiệp... những tác phẩm như thế khiến người đọc rất mệt mỏi. Đúng như lời Nguyễn Huy Thiệp, sau khi quan sát xong sẽ mệt kinh khủng.
Con đường của nhà thơ, con đường văn học, tất cả vẫn còn đang đi trên đường. Còn với Giăng lưới bắt chim, tác giả đã đặt chân vào ngôi đền của triết học. Ở đó, vai trò một văn sĩ của Nguyễn Huy Thiệp đã trở nên quá xoàng xĩnh, đã chẳng có tiếng nói gì nữa.
Nguyễn Huy Thiệp đã quá minh triết khi sớm nhìn nhận ra rằng văn chương chẳng là gì cả, có chăng cũng chỉ là công cụ đặc biệt của các thể chế chính trị. Ông nhanh trí lấp liếm rằng: Hình như nhà văn có thể khẳng định được mình khi anh trở nên chí thánh? Còn những trang viết, nó có nghĩa gì đâu? Ông mạnh dạn đụng chạm đến cái sự vô tích sự của đám văn sĩ kém cỏi lôi thôi rách việc trước chính trường.
Bìa cuốn sách. |
"4 ông trùm mafia"
4 ông trùm "mafia" ở đây, chẳng liên quan gì đến Mario Puzo cả. Cũng chẳng phải ái tình, tiền bạc, quyền lực, tôn giáo. Con người ta luôn luôn phải đối mặt với 4 ông trùm "mafia" thật sự, đó là: lòng mình, lòng người, thể chế chính trị, và tư tưởng của các bậc tiền bối cao nhân. Kẻ thù lớn nhất của đời người là lòng mình. Điều tiếng oan khiên nhất là lòng người. Mộng mị tinh vi nhất là các thể chế chính trị. Cái tuyệt đối nhất trong cái tương đối là tư tưởng của thánh nhân. 4 yếu tố đó mới thực sự tạo nên áp lực siêu hình đè nén lên con người tâm linh của chúng ta. Con người tâm linh là hoà hợp giữa con người xã hội và con người tự nhiên. Ở đó, cái siêu hình nhất là cái nguy hiểm nhất.
Tách mình ra khỏi con người văn chương, Nguyễn Huy Thiệp đi về phía đất Phật. Phật trong tâm tưởng là đức Phật quyền năng nhất. Ấy gọi là đạo.
Đích đến của một thi nhân là một triết gia
Nguyễn Huy Thiệp thủng thẳng mường tượng ra cuộc đua của các nhà văn. Rồi đặt ra câu hỏi: Ai đến đích? Ai không đến đích? Mà khéo léo tránh né đi câu hỏi lớn hơn: Đích đến của các nhà văn là cái sự gì? Đơn giản đối với ông, văn chương chưa bao giờ là quan niệm của đích đến. Văn học có rất nhiều con đường, nhiều con đường dẫn tới văn học. Nhưng văn học không phải là đích đến cuối cùng. Đừng giơ cao tấm thẻ hội viên Hội nhà văn nào đó mà mỉm cười với cuộc đời. Đích đến của văn chương là chân lý. Nhưng đích đến của cuộc đời là lẽ sống.
Nguyễn Huy Thiệp chẳng mảy may nhắc đến sự nghiệp văn chương của mình, vì so với con người tự nhiên của ông, thì những thứ viết lách kia chỉ đáng 3 xu 6 cắc. Người ta thấy rõ sự uyên thâm của Nguyễn Huy Thiệp trong Giăng lưới bắt chim, và khoác thêm cho nó giải thưởng văn học. Nhưng những kiến thức, những luận cứ, những nhay nháy mà ông đem vào cuốn sách, hầu hết là những quan điểm triết học.
Biểu hiện của một triết gia Nguyễn Huy Thiệp
Ngay cái sự rũ bỏ sự kiện để tìm bản chất, thực chất là một đặc trưng của triết học. Nhiệm vụ của văn học là khơi gợi, thúc đẩy cái tính bản thiện trong cái tâm của nhân loại. Đi tìm bản chất và quy luật của sự việc là trăn trở của các triết gia.
Nếu coi Giăng lưới bắt chim của Nguyễn Huy Thiệp là mớ tiểu luận phê bình, có lẽ chúng ta đã quá nông cạn, hẹp hòi và thô thiển nó. "Lưới bắt chim" của ông kéo dài từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, không thể là tiểu luận được, ít ra cũng là trung luận, hay tương tự. Nguyễn Huy Thiệp cũng chẳng phê với bình gì cả. Đọc ông viết về Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh, hay Đồng Đức Bốn rất dễ thấy. Cách bẻ vụn từng câu thơ ra như thế, cách nhìn nhận tác phẩm từ bên ngoài nó, rồi đem đối chiếu với thời đại, cuộc sống của người viết ra nó, để gút ra được quy luật tất nhiên, ấy là cách bình thơ ư? Rồi ông lại còn vạch ra phương hướng tốt cho những hiện tượng đó. Vậy nên hiểu Nguyễn Huy Thiệp là một nhà tư tưởng hay một nhà lý luận phê bình văn học đơn thuần?
Trong cách lập luận của ông cũng đầy rẫy những cấu trúc kiểu... chắc chắn phải có, chắc chắn phải là... Văn học không chắc chắn điều gì cả. Hãy đến với triết học.
Ngay cả cái nhìn của ông về văn học Việt Nam cũng rất duy vật. Trong mắt ông, chỉ có Nguyễn Trãi và Nguyễn Du là thực tài văn học. Đánh giá về Truyện Kiều một cách tổng thể nhất, nó xứng đáng là một kiệt tác. Nhưng giá trị bất tử của nó không chỉ nằm ở khía cạnh văn chương. Chẳng ai trao tặng giải thưởng Danh nhân văn hoá Thế giới cho một thi nhân đơn thuần cả. Văn chương không cứu rỗi cuộc sống. Văn chương dường như chỉ phản ánh tinh tế cuộc sống. Nói chung, Truyện Kiều không chỉ là một tác phẩm văn học xuất chúng, mà còn là sự kết tinh của nhân sinh quan, thế giới quan rộng lớn. Có cảm giác như Nguyễn Du đã vận dụng hết thảy 6 giác quan để viết nên Truyện Kiều. Màu sắc của một cọng cỏ thôi, cũng đủ để mường tượng được những biến cố sắp tới.
Lục bát của triết gia khác lục bát của thi nhân?
Còn về việc phân loại đánh giá thơ lục bát, Nguyễn Huy Thiệp đã quá triết học. Trong dung môi nồng nặc chất triết lý, ông đã không ngần ngại khi phân loại sáng tác thơ lục bát. Sao lại rạch ròi giữa ngộ năng và trí năng? Những bài thơ làm bằng một trong hai kiểu, đều không sống được. "Ngộ" chỉ hình thức gieo vần, ngắt nhịp. "Trí" chỉ nội dung tác phẩm. Một tác phẩm giá trị phải có sự kết hợp giữa "ngộ" và "trí".
Trần Đăng Khoa có lần đã nói rằng ông tin tưởng tuyệt đối vào số đông. Văn học cũng hướng về số đông chứ vào đâu nữa. Không thể chối bỏ được Chia là một viên đá quý trong thơ Nguyễn Trọng Tạo. Chính nó phần nào làm nên danh xưng nhà thơ cho tác giả. Những tập thơ in chung, nếu có Nguyễn Trọng Tạo, không thể vắng Chia. Hình tượng "một cây si với một cây bồ đề" thể hiện độ chín trong thơ ông. Nó vừa tinh tường, vừa hóm hỉnh.
Rồi thật ra, những câu lục bát "ngộ năng" của Bùi Giáng mà Nguyễn Huy Thiệp biện dẫn cho quan điểm của mình, cũng không phải là những câu lục bát "thần sầu quỷ khóc", làm nên tên tuổi lừng danh của lão già "Giằng Búi".
Nói chung, với Giăng lưới bắt chim, con người văn chương trong Nguyễn Huy Thiệp đã câm lặng trước con người triết học của ông.