Ngày 21/9 vừa qua, Viettel tổ chức lễ công bố phát sóng 5G, đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) và nền tảng phát triển xã hội số tại TP HCM. "Người dân TP HCM sẽ có thêm một công cụ hỗ trợ đặc biệt", ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM nói tại sự kiện. "Hệ thống viễn thông 5G, hệ thống dịch vụ IoT với cơ sở dữ liệu lớn, các đám mây lưu trữ, đảm bảo quyền riêng tư được tập đoàn Viettel chuẩn bị và hỗ trợ cho thành phố".

Lãnh đạo TP HCM và Viettel bấm nút chính thức phát sóng 5G, đưa vào khai thác hạ tầng kết nối IoT và nền tảng phát triển xã hội số tại TPHCM
Cũng tại sự kiện, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch TP HCM cho hay, khoảng 10 tháng trước, ý tưởng về dự án 5G chỉ nằm trên giấy. "Từ tháng 11/2018, thành phố đã ký kết quy chế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông. Lúc đó, tân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Viettel phải gắn và xem sự phát triển của thành phố vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là thí điểm quan trọng, tất cả thành hay bại đều nằm ở điều này", ông Tuyến nhớ lại.
5G là công nghệ mới, phức tạp và mới có khoảng 10 nước trên thế giới đang triển khai thương mại hoá. "Không phải đất nước nào cũng làm được, ở Việt Nam thì Viettel là đơn vị đầu tiên", Phó chủ tịch TP HCM chia sẻ.
5G không chỉ phục vụ cho các dịch vụ viễn thông tốc độ cao mà còn có thể tạo ra hàng triệu kết nối trong 1m2 với độ trễ thấp, vượt trội so với 4G. Nhờ điều này, công nghệ 5G có thể đáp ứng được những ứng dụng như xe tự lái, tự động hóa... Trong khi đó, công nghệ IoT giúp tiết kiệm pin, chi phí kết nối thiết bị thấp và cho phép một lượng lớn các thị bị có thể kết nối tới mạng. Viettel nhận định, đây chính là những nền tảng cơ bản, mang tính chất cốt lõi của một xã hội số.

Viettel trình diễn mô hình trung tâm giám sát đô thị thông minh.
Tại sự kiện, lãnh đạo thành phố khẳng định quyết tâm đưa đô thị lớn nhất Việt Nam trở thành thành phố thông minh từnay đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Thành phố thông minh sẽ là nơi mọi vật được kết nối, người dân sẽ được tận hưởng một cuộc sống tiện ích, an toàn hơn. Ví dụ dữ liệu mở về giao thông sẽ giúp người dân tìm được lộ trình di chuyển hiệu quả, giảm ùn tắc. Những bệnh án điện tử sẽ giúp người dân dễ dàng xem lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ y tế.
Mặt khác, khi được kết nối, chính quyền, doanh nghiệp và người dân sẽ có cơ hội cùng mở rộng hợp tác, cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Phương châm xây dựng smart city, theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân là lấy con người là trung tâm. Chính quyền thành phố theo đó mong muốn người dân có chất lượng cuộc sống tốt, được phục vụ chu đáo, được tham gia vào quá trình giám sát...
Tất cả những mục tiêu trên đêu cần đến hạ tầng ICT đủ mạnh và rộng khắp. Viettel đang đảm nhận vai trò này, bởi hạ tầng cần đi trước smartcity. Ông Tào Đức Thắng, Phó TGĐ Tập đoàn Viettel cho biết, NB-IoT kết nối vạn vật băng hẹp và 5G là những nền tảng số mới nhất mà Viettel dành cho thành phố mang tên Bác.

5G không chỉ phục vụ cho các dịch vụ viễn thông tốc độ cao, đặc thù của công nghệ này có thể tạo ra hàng triệu kết nối trong 1m2 với độ trễ rất thấp, vượt trội so với 4G. Nhờ đó, 5G có thể phục vụ cho các ứng dụng như xe tự lái, tự động hoá... Đó là những nền tảng cơ bản, mang tính cốt lõi của một xã hội số.
Ngoài công nghệ 5G, Viettel còn chuẩn bị cho TP HCM những nền tảng ứng dụng khác cho việc xây dựng xã hội số như cáp quang rộng khắp, điện toán đám mây. Hiện Viettel đã xây dựng một trung tâm điện toán đám mây lớn ở TP HCM và Bình Dương.
Hãng cũng cung cấp thêm một hệ sinh thái ứng dụng như ViettelPay (thanh toán số), thương mại số (Voso), nền tảng cho các hệ thống quản trị (văn phòng điện tử - V-Office), nền tảng cho nội dung số (mạng xã hội Mocha – cung cấp nhiều dịch vụ như nhạc, tin tức, phim...)
"Viettel không chỉ mang đến những nền tảng lõi mới nhất như 5G, NB-IoT. Chúng tôi còn có nhiều ứng dụng khác đang được phát triển nhằm mang lại một xã hội thông minh hơn và xây dựng một nền kinh tế số dựa trên những nền tảng này", ông Thắng nói.
Dự kiến, sau khi triển khai 5G ở TP HCM, Viettel sẽ tiếp tục triển khai công nghệ này ở TP. Hà Nội và TP. Đà Nẵng. "Bản chất NB-IoT là dựa trên LTE (4G) mà 4G Viettel đã triển khai toàn quốc rồi. Như vậy chỉ cần nhu cầu tăng lên, chúng tôi đơn giản là "bật" công tắc. Nhà mạng đã sẵn sàng cho việc phủ sóng toàn quốc với NB-IoT", đại diện Viettel khẳng định.
Tuấn Vũ