Mới đây, Công ty cổ phần cáp và vật liệu viễn thông (mã chứng khoán SAM) thông báo, cổ đông lớn Wareham Group Limited tiếp tục bán ra 1,6 triệu cổ phiếu SAM, hiện chỉ còn giữ 2,9 triệu, chiếm tỷ lệ sở hữu cổ phần 4,45%. Tính từ đầu năm đến nay, tổ chức này đã bán ra hơn 3 triệu cổ phiếu SAM.
Trước đó, Deutsche Bank Ag London từ mức sở hữu 5,07% đã hạ xuống 4,99% khi tổ chức này chuyển nhượng 29.190 cổ phiếu SJS.
Các chuyên gia cho rằng động thái bán ra của các cổ đông lớn, quỹ đầu tư chủ yếu là nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư. Ảnh: H.P. |
Trung tuần tháng 9, Kitmc Worldwide Viet Nam RSP Balanced Fund vốn sở hữu 5,33% cổ phần của công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vipco cũng đã hiện thực hóa lợi nhuận hơn 200 nghìn cổ phiếu VIP. Cùng trong khoảng thời gian này, 2 quỹ đầu tư lớn của công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta là Viet Nam Emerging Equities Fund và PXP Viet Nam Fund Ltd cũng sang tay lần lượt 200 nghìn và 100 nghìn mã FMC.
Ngoài ra còn có cổ đông ngoại của công ty cổ phần bao bì nhựa Tân Tiến, công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An, công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại... cũng bán xấp xỉ 1% số lượng cổ phần nắm giữ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, trường Đại học Mở TP HCM nhận định, tình hình tài chính thế giới đang có nhiều biến động, các cổ đông ngoại, quỹ đầu tư sẽ điều chỉnh lại kế hoạch trong cả ngắn và dài hạn. Ví dụ, những cổ phiếu của công ty có mức đầu tư tài chính cao như REE, SAM, cổ đông ngoại sẽ bán ra để đầu tư vào những doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Thuận, việc cơ cấu lại danh mục của các cổ đông lớn không hẳn là rút vốn hoàn toàn khỏi thị trường Việt Nam. Bởi lẽ so với những thị trường khác trong khu vực thì Việt Nam thuận lợi cho đầu tư dài hạn hơn, nhất là khi nền kinh tế đang có biến chuyển khả quan và sẽ phát triển hơn nữa trong các năm tiếp theo.
Một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng dẫn đến động cơ bán ra của những cổ đông ngoại theo lý giải của Tiến sĩ Thuận là nhằm hiện thực hóa lợi nhuận. Vì thị trường đã có sự phục hồi trở lại trong 2 tháng trở lại đây và hiện nay là điều kiện khá tốt để bán ra. Hơn nữa, các tổ chức này bán cổ phiếu còn nhằm hạch toán lợi nhuận, làm đẹp báo cáo tài chính cuối năm.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital, bà Đặng Phạm Minh Loan cho biết, phần lớn cổ phiếu các quỹ bán ra trong thời gian qua là nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư cho hợp lý hơn trong bối cảnh kinh tế hiện nay và không thể nói rằng nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn khỏi Việt Nam.
Bởi lẽ, trong tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài mua 3.800 tỷ đồng, bán 1.800 tỷ đồng. Trong tháng 8, giá trị mua bán của khối ngoại xấp xỉ nhau ở mức 3.500 tỷ đồng. Và từ đầu tháng 9 đến nay, giá trị mua vào của nhà đầu tư nước ngoài (2.600 tỷ đồng) ít hơn giá trị bán (2.700 tỷ đồng), nhưng mức chênh lệch khoảng trên 100 tỷ là không đáng kể, nên không thể nói rằng dòng tiền của khối ngoại đang thoát khỏi thị trường,.
Ngoài ra, khi thị trường điều chỉnh thì giá cổ phiếu sẽ trở nên ngày càng hấp dẫn hơn và nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng mua khi giá một số cổ phiếu nhất định đạt đến ngưỡng mua của họ, bà Loan cho biết thêm.
Bạch Hường