Ngày 25/11, Kiểm toán Nhà nước công bố một con số gây sốc: Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã hạch toán thiếu gần 600 tỷ đồng doanh thu từ chênh lệch giá bán điện năm 2007. Ngoài ra, EVN không lỗ như họ vẫn thường kêu với Chính phủ để được nhận sự trợ giúp và tiến tới đích cuối là tăng giá điện.
Sẽ còn thiếu điện trong thời gian tới. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu về giá điện (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng còn nhiều “dư địa” để giảm chi phí đầu vào, nếu EVN quyết liệt thực hiện sẽ phần nào giảm bớt được áp lực tăng giá. Tháng 9 vừa qua, khi đưa ra dự thảo điều chỉnh giá điện, EVN nêu lý do chi phí nhiên liệu đội lên cao, giá bán điện trong nước thấp nên tập đoàn kinh doanh bị lỗ. Nhưng đến nay, chi phí đầu vào giảm mạnh, EVN hoàn toàn có thể hoãn chuyện tăng giá, thậm chí có thể tính đến phương án giảm giá bán.
"Tôi thấy trong đề án điều chỉnh giá điện tiến tới thị trường điện cạnh tranh, EVN chỉ xin cơ chế tăng mà không đề cập đến giảm, như vậy là không ổn. Về dài hạn, tăng giá điện là cần thiết song tại thời điểm này, EVN cần tính toán cụ thể”, ông Thành nói.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy một vấn đề khác mà EVN đã “lờ đi”, đó là năng suất - một trong những yếu tố quan trọng cấu thành giá điện. Trong khi nếu năng suất được cải thiện liên tục trong một giai đoạn nhất định, không những chưa cần phải tăng mà giá điện có thể giảm được 2%. Thế nhưng, các phương án điều chỉnh giá điện, chưa bao giờ EVN đề cập đến vấn đề này.
Mới đây, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách - CEPR (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng công bố bản nghiên cứu cho thấy các phương án tăng giá điện đều góp phần làm giảm GDP của VN. Theo đề tài “Ước lượng của việc tăng giá điện lên chi tiêu hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế" do chính tiến sĩ Thành làm trưởng nhóm đã đưa ra 3 kịch bản.
Thứ nhất, tăng giá điện đối với khu vực tiêu dùng 20% và giữ nguyên đối với khu vực sản xuất. Thứ hai là giá điện tăng cho khu vực tiêu dùng là 20% và khu vực sản xuất là 10%. Cuối cùng, tăng 20% cho cả hai khu vực sản xuất và tiêu dùng. Kết quả là GDP đều giảm 0,04%; 0,159% và 0,161% lần lượt cho mỗi kịch bản và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng lần lượt là 0,13%; 0,73% và 1,25%.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế - Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng EVN đã mắc 3 tội lớn: Nói dối người tiêu dùng, tư duy nhận thức kém và không hoàn thành tốt vai trò được giao. Kết quả kiểm toán đã tháo gỡ được mối nghi ngờ của người dân trong suốt thời gian qua về chuyện lỗ lãi của ngành điện. "Nếu không có kết quả kiểm toán, EVN còn nói dối người tiêu dùng đến bao giờ", ông Phong nói.
Ông Phong cho rằng trong thời gian qua, EVN đã cư xử không đúng tầm một Tập đoàn kinh tế Nhà nước khi đưa ra quyết định trả lại 13 dự án điện. Liên tục kêu thiếu vốn nhưng lại dốc tới 3.590 tỷ đồng tiền ngân sách để đầu tư ra ngoài ngành. Chất lượng dịch vụ cũng không cao, cứ hè đến EVN lại dọa cắt điện. Điều này cho thấy ý thức xã hội kém, EVN đã không hoàn thành vai trò đơn vị chủ quản của ngành điện.
"Đã đến lúc, EVN phải đối thoại công khai với dư luận, công khai các khoản lỗ lãi để điều chỉnh lại giá bán điện cho hợp lý", ông Phong nói.
Trong báo cáo kết quả kiểm toán Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu kết quả kiểm toán, kết quả phân tích chi phí, giá thành ngành điện để sử dụng như một căn cứ cân nhắc mức tăng giá và thời điểm điều chỉnh. Việc điều chỉnh giá phải gắn với lộ trình cụ thể. Cơ cấu và mức giá bán phải khuyến khích được việc sử dụng điện để sản xuất và sinh hoạt tiết kiệm, có hiệu quả.
Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị EVN xây dựng và trình phương án giá bán điện 2009. Trong điều kiện thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát và tình hình kinh tế thế giới, trong nước có khó khăn như hiện nay, cần cân nhắc mức tăng và thời điểm tăng giá cho phù hợp. Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu đánh giá, phân tích tính hợp lý của giá mua bán điện nội bộ trong tập đoàn để xác định và thực hiện hệ thống giá nội bộ hợp lý, và cân nhắc đến yếu tố này trong phương án điều chỉnh giá bán điện.
Bên cạnh đó, EVN cần báo cáo Liên bộ Tài chính - Công Thương để tổng hợp báo cáo Chính phủ phương án xử lý chênh lệch giá bán điện năm 2007 và phân phối lợi nhận của Tập đoàn theo quy định. Ngoài ra, EVN cần rút kinh nghiệm về việc triển khai chậm, không đáp ứng tiến độ của các đự án đầu tư phát triển hệ thống điện quốc gia theo Tổng sơ đồ 6 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 27/11, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN - Đinh Quang Tri cho rằng EVN cũng có những nổi khổ riêng không dễ gì chia sẻ. EVN có hàng nghìn công trình ở nhiều nơi, với nhiều đơn vị thành viên, vốn đầu tư cho các công trình điện mỗi năm lên tới 50.000 tỷ đồng nên không tránh khỏi có sai sót trong một số khâu.
Tuy nhiên, ông Tri cho rằng nếu nói EVN cố tình bỏ sót 600 tỷ đồng là không thực sự thỏa đáng, EVN không nói dối hay cố tình lờ đi khoản chênh lệch này. Khoản tiền chênh lệch trên là do cách tính không đồng nhất giữa cơ quan kiểm toán với sổ sách chứng từ của tập đoàn. "Chúng tôi đánh giá cao kết quả kiểm toán, nó đã khá sát so với tình hình thực tế của tập đoàn. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng căn cứ vào kết quả này để nhìn nhận rõ hơn về EVN và tháo gỡ cho chúng tôi những khó khăn về vốn", ông Tri nói.
Hồng Anh