“Quen và yêu nhau được 7 tháng, hai đứa mình quyết định đến với nhau trong sự phản đối của nhiều người. Nhưng bằng tình yêu mãnh liệt, cuối cùng mọi người cũng chấp nhận và cho hai đứa tổ chức hôn lễ”, họa sĩ khiếm thính Trương Quang Thuận (31 tuổi) mở đầu câu chuyện qua tờ giấy và cây bút.
Khi lớn lên mọi người mới biết Thuận bị khiếm thính. Bố mẹ lo chạy chữa khắp nơi, nhưng con trai vẫn không nghe, không nói được. Thuận được gửi đi học các lớp của trẻ khuyết tật của Trường Tiểu học Vĩnh Ninh. Tốt nghiệp cấp 3, với niềm đam mê vẽ tranh, cậu đã ứng thí và đậu vào Trường Trung cấp Nghệ thuật Huế chuyên ngành mỹ thuật. Tốt nghiệp, không muốn là gánh nặng cho gia đình, Thuận về trường Vĩnh Ninh xin dạy cho các em bị khiếm thính.
![]() |
Gia đình nhỏ của họa sĩ khiếm thính Trương Quang Thuận. |
Chị Đặng Thị Quỳnh Hương (29 tuổi), vợ họa sĩ Thuận, kể: “Mình và anh Thuận quen nhau qua một người bạn. Khi ấy anh Thuận dạy võ ở trường trung cấp Nghệ thuật Huế, còn mình làm giáo viên dạy giáo dục thẩm mỹ tại trường. Ấn tượng đầu tiên của mình về anh là nghị lực vượt lên số phận và sự nhiệt tình, luôn giúp đỡ mọi người”.
Ban đầu Thuận và Hương nói chuyện với nhau qua… giấy, rồi Thuận chủ động xin số điện thoại, hai người nói chuyện qua những dòng tin nhắn. Quen nhau một thời gian, Thuận chủ động mời Hương đi chơi, họ có nhiều thời gian tâm sự với nhau hơn.
“Anh Thuận tâm lý lắm! Mỗi dịp 8/3 hay Valentine anh ấy luôn dành cho mình sự bất ngờ với những địa điểm hẹn hò và món quà thú vị. Khi ấy mình chỉ nghĩ quan hệ giữa mình và anh ấy là bạn bè, nhưng không hiểu sao một ngày không gặp anh là lại thấy nhớ da diết”, chị Hương nhớ lại.
Những dòng tin nhắn cứ đều đặn, cho đến một ngày Thuận tỏ tình: “Anh yêu thương em thật lòng. Em làm vợ anh nhé!”. “Khi ấy mình đã im lặng! Mình xin thêm thời gian để suy nghĩ”, chị Hương kể. Và sau một thời gian “tham khảo” ý kiến của bạn bè, Hương đã nhận lời yêu Thuận.
Mọi chuyện tưởng rằng êm xuôi nhưng khi hai người trình bày chuyện tiến tới hôn nhân với hai bên gia đình, bố mẹ Thuận mừng vì con trai đã tìm được người yêu thương, còn bố mẹ Hương thì nhất quyết phản đối. “Khi ấy mình và anh Thuận buồn lắm! Bố mẹ sợ mình lấy anh ấy sẽ khổ!”, Hương nhớ lại.
![]() |
Ngoài thời gian dành cho gia đình, Trương Quang Thuận lại dành thời gian sang tác những tác phẩm mình tâm huyết. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Không bỏ cuộc, cả hai đã quyết định thuyết phục bố mẹ Hương. Hương giải thích với bố mẹ về tình cảm của mình dành cho Thuận. Còn Thuận thì thể hiện sự quan tâm và tình yêu bằng việc đến nhà giúp cô mọi công việc, thấy bố mẹ tương lai làm gì anh cũng xin làm cùng.
Ban đầu bố mẹ Hương vẫn chưa ưng ra mặt. Nhưng rồi thấy Thuận và Hương yêu thương nhau hai ông bà cũng đành… gật đầu cho hai con tổ chức hôn lễ. Đám cưới được tổ chức linh đình dưới sự chứng kiến và chúc mừng của họ hàng, bạn bè cô dâu chú rể. Đó là ngày 16/12/2007.
Lấy vợ rồi, Thuận không còn ham chơi như trước mà dành nhiều thời gian cho vợ hơn. Ngoài giờ dạy học mỹ thuật trên trường Thuận lại vẽ tranh tại nhà và giúp vợ việc bếp núc. Niềm vui của hai bên gia đình và niềm hạnh của đôi vợ chồng trẻ như được nhân đôi khi con gái Trương Thị Phương Dung chào đời.
Trăn trở về những thanh niên cùng cảnh ngộ, Thuận đã xin bố mẹ giúp đỡ để mở phòng tranh Light Star ngay tại nhà nhằm dạy vẽ cho những thanh niên khiếm thính. Thuận còn nhận hướng dẫn vẽ thêm cho các em yêu thích môn này vào ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật miễn phí tại nhà.
Ngồi cạnh chồng, chị Hương tủm tỉm: “Nếu ngày đó hai đứa không quyết tâm lấy nhau thì chắc gì đã hạnh phúc như bây giờ”. Còn anh họa sĩ trẻ Trương Quang Thuận nhìn vợ bảo: “Bé Phương Dung là minh chứng cho tình yêu của vợ chồng mình!”.
Văn Nguyễn