Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được được tổ chức cuối tháng này tại Hà Nội, đây là một sự kiện lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng đến khu vực và quốc tế. Nhân dịp này, độc giả Đỗ Đình Thịnh, hiện là nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc gửi tới âu chuyện về một chuyến lên khu vực biên giới Hàn - Triều của mình.
Chusok (tết trung thu) là dịp nghỉ lễ quan trọng nhất ở Hàn Quốc và Triều Tiên. Dịp nghỉ trung thu vừa rồi tương đối dài nên tôi tranh thủ dành thời gian khám phá Hàn Quốc. Một trong những điểm mình mong ước đến từ lâu là khu vực biên giới Hàn - Triều.
Để đến biên giới Hàn – Triều, du khách có thể đăng ký tham gia các tour tham quan Khu vực phi quân sự (Demilitarized zone - DMZ) hoặc đi tới các Điểm quan sát hòa bình (Peace observatory).
Trong số những địa điểm này, Ganghwa Peace Observatory trên đảo Ganghwoa là một lựa chọn thú vị. Đảo Ganghwoa là một đảo lớn nằm trong biển Hoảng Hải, ở phía tây bán đảo Triều Tiên, có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử Hàn Quốc.
Đây là nơi sông Hàn đổ ra biển, và hai miền nam bắc chỉ cách nhau qua một con sông. Khung cảnh ở đây đây không chỉ có sông, có biển mà còn có các rặng núi nhấp nhô và những cánh rừng rợp bóng cây.
Ngày nghỉ thứ hai của Chusok tôi bắt xe bus từ Seoul ra đảo Ganghwoa. Cứ 30 phút lại có một chuyến xe bus chạy từ Seoul ra đảo nên việc đi lại khá dễ dàng. Với sự hỗ trợ của google map, việc tìm kiếm thông tin đi lại đơn giản hơn rất nhiều. Sau khoảng 2h xe chạy đảo Ganghwoa hiện ra với vẻ bình yên vốn dĩ của nó, khác hẳn với một Seoul ồn ào náo nhiệt.
Tại bến xe trung tâm đảo, lại phải đi thêm một chuyến xe bus để lên khu vực biên giới. Sau khi xe chạy ra khỏi thị trấn Ganghwoa, khu vực nông thôn – miền núi Hàn hiện ra đẹp như một bức tranh, không khác gì Việt Nam.
Đường trên đảo khá dốc, nhưng được trải nhựa phẳng lì và rất vắng xe cộ đi lại. Bởi vậy nên bác tài chạy khá nhanh, khoảng 45 phút xe đã đến khu vực biên giới. Qua một chốt lính gác, xe chạy qua vào khu vực đài quan sát.
Mọi thứ đập vào mắt tôi thật lạ lẫm và thích thú. Phía dưới cánh đồng lúa dọc theo mép sông là một hàng rào dây thép gai được quấn chằng chịt. Và phía bên kia sông là Bắc Hàn rồi, thật thú vị.
Tôi đã đến biên giới Việt - Trung nhưng toàn những nơi nhộn nhịp như Móng Cái hay Tân Thanh, so với khu vực này thì khác rất nhiều. Do mải mê nhìn sang phía bên kia sông, tôi không kịp để ý xe bus đã chạy qua điểm dừng ở đài quan sát.
Xe chạy vòng quanh đảo, đến bến kế tiếp tôi mới có thể xuống được. Ở đây xe bus nhanh nhất phải 30 phút một chuyến, các điểm dừng lại xa nhau tít tắp trong khi trời đã về chiều. Thôi đành cuốc bộ ngược lại, quãng đường có lẽ phải tầm 2km trong quang cảnh không một bóng người. Cảm giác cuốc bộ trên con đường vắng tanh, một bên là sông, bên là núi và rừng rậm thật khó diễn tả.
Không những thế thi thoảng còn nghe thấy tiếng đùng đùng như đạn nổ từ phía bên kia sông, cũng có chút sợ hãi, lỡ đấy thực sự là tiếng súng thì sao nhỉ? Nhưng rồi tự trấn bản thân, quan hệ Hàn - Triều hiện giờ khá tốt, không có lý do để sợ hãi cả. Sau 20 phút đi bộ trong cái cảm giác pha trộn giữa thích thú và sợ sệt ấy mình cũng đến gần đài quan sát.
Đài quan sát là một tòa nhà khá lớn được xây dựng trên đỉnh một ngọn đồi cao. Con đường lên đỉnh đồi được trải nhựa nên việc đi lên đài quan sát khá dễ dàng. Quanh tòa nhà là các luống hoa đang khoe sắc rực rỡ và khu trưng bày một số phương tiện, xe cộ thời chiến tranh. Từ đây có thể phóng tầm mắt xa hơn vào lãnh thổ Triều Tiên. Thật không thể tin nổi, đất nước bí ẩn nhất thế giới đang nằm trong tầm mắt mình.
Đài quan sát gồm năm tầng, một tầng hầm và bốn tầng nổi, trong đó tầng hầm và tầng bốn được dùng cho mục đích quân sự. Bên ngoài hiên từ tầng một đến tầng ba có hệ thống ống nhòm giúp du khách quan sát bên kia biên giới dễ dàng hơn. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt qua ống nhòm là hàng rào dây thép gai phía bên kia sông, cũng chằng chịt và phức tạp y hệt bên này. Kế tiếp đó là khung cảnh nhà cửa, đồng ruộng và núi non Triều Tiên.
Nhà bên miền bắc có vẻ bé và đơn giản hơn bên này, còn cánh đồng lúa cũng đang chín vàng báo hiệu một năm được mùa. Xa hơn nữa là Kaesong, khu cônng nghiệp đặc biệt của Triều Tiên với sự tham gia đầu tư của Hàn Quốc. Sự đóng mở của khu công nghiệp này là tấm gương phản chiếu mối quan hệ lúc ấm lúc lạnh giữa hai nước.
Các phòng bên trong tòa nhà được dùng làm khu trưng bày tư liệu liên quan đến chiến tranh Triều Tiên. Một hộp kính nhỏ trưng bày các tờ tiền Triều Tiên, trông thật bắt mắt. Mình đặc biệt ấn tượng với một gian phòng gọi là Phòng ước nguyện thống nhất (Room to wish for unification), cho phép du khách viếng thăm có thể viết những lời cầu chúc cho sự thống nhất của hai miền. Vô số những lời cầu chúc đã được viết ra và treo đầy rong phòng. Có lẽ trong ký ức của nhiều người toàn bộ bán đảo Triều Tiên là một quốc gia suốt chiều dài lịch sử và giờ đây khát vọng thống nhất vẫn luôn cháy bỏng.
Dễ dàng nhận thấy trong số du khách viếng thăm có rất nhiều cụ già, có lẽ phải đến 70 – 80 tuổi hoặc hơn thế. Một số cụ không đi được phải ngồi trên xe lăn cho con cháu đấy. Có lẽ nào các cụ bị ly tán trong chiến tranh và vẫn còn người thân bên kia biên giới? Chiến tranh thật tàn nhẫn. Nó đã cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người và cũng làm cho bao nhiêu người phải rời bỏ quê hương, lâm vào cảnh sinh ly tử biệt. Thi thoảng chính phủ hai miền tổ chức các cuộc đoàn tụ liên triều cho người thân bị ly tán trong chiến tranh được gặp nhau. Nhìn những cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt giữa các thành viên trong gia đình bất kỳ ai cũng không thể kìm lòng.
Đi vòng quanh khu đài quan sát là các luống hoa cúc nở thật đẹp. Dọc đường đi, các cỗ xe thời chiến đã được to vẽ thêm mặt cười và trở nên thân thiện. Một biểu tượng cánh chim hòa bình ở sau nhà là điểm yêu thích chụp ảnh của mọi người.
Gần đây quan hệ hai miền đang dần ấm lên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thăm Triều Tiên và dự kiến chủ tịch Kim Jong-un sẽ thăm Seoul trong tương lai gần. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất cũng đã thành công tốt đẹp, dự kiện hội nghị lần thứ hai sẽ được tổ chức cuối tháng 2 tại Việt Nam. Dù con đường thống nhất còn rất dài, tương lai hòa bình và thịnh vượng của hai miền Triều Tiên chưa bao giờ gần đến thế.
>> Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây.