Người gửi: Trần Đông Trúc
Chuyện dạy Văn - học văn, có lẽ phải khiến chúng ta thốt lên "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!". Nhưng thật sự là "Khổ lắm! Nói mãi có thay đổi gì đâu!".
Tôi là một phụ huynh và vì trước đây là một cô giáo dạy Văn nên bây giờ tôi dạy văn cho con tôi và con một bạn bè gửi tại nhà. Tôi xin được trình bày những suy nghĩ nhỏ của mình quanh chuyện dạy Văn - học văn.
Chưa đề cập đến vấn đề kiến thức trong sách giáo khoa - sự mất cân đối giữa khối lượng kiến thức cần truyền tải và thời gian quy định để truyền tải đến các em học sinh (thời gian chính thức trên lớp) - chỉ riêng chuyện dạy các em Tập làm văn đã biết bao điều cần nói.
Giáo viên dạy Văn đa phần cung cấp cho các em kiến thức, buộc các em học thuộc nhưng không thèm hoặc giả không cần các em chuyển hóa các kiến thức trong phần văn bản đã học sang tập làm văn. Đơn giản là phần Tập làm văn cũng chỉ cần các em học thuộc. Do vậy, khi có một số ít các thầy cô giáo muốn luyện cho các em cách viết một bài văn để đơn giản là bày tỏ những kiến thức, những cảm xúc thực của các em như ngày xưa chúng tôi thường được dạy thì ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các em hay là ba mẹ các em.
Nhìn xung quanh các em thấy bạn mình nhanh thì sao chép nguyên xi sách mẫu, công phu hơn thì lên mạng tìm tài liệu cụ thể rồi sắp xếp lại (văn thuyết minh), vậy thì tại sao các em lại phải bỏ công sức, thời gian để làm đi, làm lại, chỉnh chỉnh, sửa sửa một bài tập làm văn mà thường thì sẽ không đạt được điểm cao như các bạn? Và như vậy cũng có nghĩa là sẽ ảnh hưởng đến danh hiệu học tập của các em ở cuối học kỳ.
Mặt khác, chính việc ra đề tập làm văn của giáo viên trên lớp cũng khiến cho học sinh phải sao chép nguyên xi tài liệu. Sao thầy cô lại ra những đề văn hoàn toàn xa cách với trình độ kiến thức của các em? Ví dụ, phần văn thuyết minh trong chương trình lớp 8, có giáo viên ra đề cho các em thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam. Thiết nghĩ, chiếc áo dài dân tộc thật gần gũi, thật bản sắc nhưng để viết được đầy đủ, chính xác về quá trình phát triển, chất liệu, mẫu dáng.... qua bao nhiêu thời kỳ thì thử hỏi các vị giáo viên đã đủ kiến thức để trình bày chưa?
Trách sao các em không lên mạng mà bê nguyên xi vào bài để lấy điểm. Chỉ cần cho các em thuyết minh những đồ vật quanh mình như cây bút bi, cái đèn học, cái phích nước.... thì việc kết hợp cả kiến thức và khả năng diễn đạt của các em cũng đủ đánh giá rồi.
Để các em viết văn hay chép văn? Hay các em thì chạy theo điểm của thầy cô, còn thầy cô thì muốn chép thế cho nhanh hay là muốn các em nhiều điểm để chạy theo "thành tích"?