![]() |
5 người sống sót sau vụ 11/9 (từ trái sang): Brian Clark, Ling Young, Mary Jos, Kelly Reyher và Richard Fern. |
Đứng trên hành lang tầng 78 của tòa tháp thứ hai, Kelly Reyher, 41 tuổi, luật sư của Công ty tư vấn Aon Risk, suy nghĩ xem có nên lấy lại máy tính cầm tay của hãng Palm trong văn phòng ở tầng 100 hay không. Lúc đó là hơn 9h sáng ngày 11/9/2001 và Reyher đang bị kẹt lại trong khi sơ tán.
15 phút trước đó, chiếc Boeing 767 đã đâm vào ngôi tháp phía bắc, quả cầu lửa bùng cháy và phụt vào tận cửa sổ tầng 103 tòa phía nam. Đối với Judy Wein, đồng nghiệp của Reyher, tình trạng lúc đó giống như “chui đầu vào lò nướng”. Reyher và khoảng 20 cộng sự đang đi xuống tầng dưới thì nghe thấy thông báo tòa tháp nam “an toàn”, có thể trở lại phòng làm việc.
Lúc này, họ đều đứng ở tầng 78, nơi đặt lối lên xuống để người ta có thể xuống phố hay lên các tầng trên bằng thang máy nhanh. Đúng lúc đó, chiếc Boeing 767 thứ hai bay từ phía cảng New York vào theo hướng va vào điểm cách chỗ Reyher đứng 31 mét. Với bất cứ ai chứng kiến cảnh thảm họa sắp xảy ra, quyết định đúng đắn thật rõ ràng: đi xuống. Riêng Reyher đứng nhìn trong khi các đồng nghiệp vội vàng xuống thang. Còn anh bật nút cho thang máy đi lên.
Con đường thoát chết
Đi lên hay đi xuống, sống hay chết? Hai đám cháy lớn do những kẻ khủng bố 11/9 gây ra đang cuốn đi tất cả những gì ở trước mắt mọi người làm việc trong WTC - giấy và nhựa, bê tông và thép… Ít nhất 1.100 người bị kẹt lại trên các tầng trên khi bị máy bay tấn công - từ tầng 78 trở lên ở tòa tháp phía nam và tầng 94 trở lên tại tòa tháp phía bắc. Một số người nhảy từ trên lầu cao xuống đất, số khác tìm cách leo lên mái nhà (lúc đó đang bị khóa) với hy vọng được trực thăng cứu thoát (dù nhà chức trách đã loại trừ khả năng này), hay đợi nhân viên cứu hộ, những người không bao giờ có thể đến với họ. Tuy nhiên, theo khảo sát của USA Today và New York Times, không đến 20 người đã tìm đường vượt qua đám khói mù mịt, đi bằng cầu thang bộ trong tòa tháp phía nam xuống đất và được an toàn. Họ giữ kỷ niệm không thể phai mờ về những hành lang đầy xác chết và ý nghĩ đang gần kề cái chết đến mức nào. Vấn đề không phải là nhờ khôn ngoan hay chuẩn bị tốt mà họ thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Chìa khóa để những nhân vật này sống sót đơn giản chỉ là họ biết hướng xuống phố.
Bây giờ, họ ngồi hồi tưởng lại bóng tối bao phủ lúc đó. Phải có đến 200 người chen chúc ở lối lên xuống khi chiếc Boeing 767 đâm vào mặt phía nam của ngôi tháp thứ hai. Judy Wein, 45 tuổi, đang đứng cùng 3 đồng nghiệp ở hãng Aon. Tại một nhóm khác là Ling Young, 49 tuổi, và Mary Jos, 53 tuổi. Họ cùng làm việc tại Sở Thuế và Tài chính New York. Máy bay đâm, gây chấn động khắp nơi. Young nhớ lại: “Tôi chạy từ chỗ này sang chỗ khác. Tôi phải đạp, phải đẩy tất cả các chướng ngại vật đi. Tôi không nhìn thấy gì cả vì kính dính đầy máu. Tôi bỏ kính xuống và lau chùi cẩn thận. Mọi người nằm đầy ra đó, không nhúc nhích”.
Khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa nhà, Wein cảm thấy như mình bay lên rồi rơi xuống. Rồi ngôi tháp rung chuyển, chị cố hết sức chạy tới chỗ thang máy đang mở và nhìn thấy ngọn lửa từ phía dưới ngùn ngụt bốc lên. Wein nói: “Tôi ngồi dậy và đi tới chỗ các đồng nghiệp. Tôi phải vượt qua các xác chết. Tôi ngồi xuống: Sếp tôi, Howard Kestenbaum, nằm bất động. Có lẽ ông không còn sống nữa. Tôi biết ông ấy đã 23 năm”. Chị nhớ có một chiếc bàn liên lạc đặt ở giữa hàng lang và đi tìm. Tuy nhiên, nó không còn ở đó nữa. Càng đi, Wein càng thấy nhiều xác chết. Một số người ngồi khóc thút thít. Qua cửa sổ, chị nhìn thấy lửa bốc lên rừng rực từ tòa tháp phía bắc. Wein ngồi xuống chờ đợi.
Điều mà cả Wein lẫn Young không biết là lúc đó, họ chỉ còn cách nơi an toàn có vài mét. Trong số 3 cầu thang khẩn cấp dẫn tới tòa tháp phía nam, hai đã bị phá hủy do máy bay đâm và không thể dùng được từ ít nhất là tầng 77. Tuy nhiên, cầu thang bộ A bị chấn động không đáng kể. Nó vẫn sử dụng được dù có rất nhiều khói và đôi chỗ bị gạch vôi đổ nát cản trở. Wein nói: “Tôi không biết cầu thang bộ ở đâu. Chúng tôi ngồi đó, cố xác định vị trí của nó trong óc. Chúng tôi ở rất gần đấy, nhưng không nhìn thấy gì cả”. Tuy nhiên, Jos, người đã lạc Young, biết vị trí thang bộ. Khi tỉnh dậy sau vụ đâm máy bay, người chị dính đầy bụi ván lát tường. Jos nói: “Nhìn về tòa tháp phía nam qua cửa sổ, tôi thấy toàn lửa là lửa. Mặt tôi như bị thiêu đốt. Tôi quay lại, cảm thấy mình như đang dựa lưng vào thần hỏa. Tôi không nghe được gì cả, hoàn toàn không. Những người tôi nhìn thấy đều đã chết. Nhưng lúc đó, tôi nhớ cô gái làm việc chỗ tôi từng đi lên tầng 86 từ tầng 78, và ở đó có một thang bộ. Vì thế, tôi bò tới chỗ cầu thang”. Jos bộc bạch lúc đó, chị nghĩ tới chồng mình, Dave. Ông vừa nghỉ hưu và đang lên kế hoạch cho ngôi nhà sắp xây ở North Folk, Long Island. Chị kể: “Khi ấy, tôi chỉ còn biết nói Chúa ơi, con không thể chết ở đây. Con không thể để anh ấy lại một mình trên thế giới này được”. Jos đứng dậy và tới cầu thang bộ A. Cửa cầu thang mở. Chị đã đặt một chân vào thế giới của sự sống.
Cũng khoảng thời gian đó, những người khác đang tìm thang bộ A. Richard Fern, 39 tuổi, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của hãng Euro Brokers, nhìn mọi người nhảy ra khỏi cửa sổ tòa tháp phía bắc, và nghĩ đã đến lúc phải rời khỏi đây. Anh vừa bước vào thang máy đưa xuống tầng 78 thì máy bay thứ hai đâm vào tòa nhà, sức ép hất anh bắn vào bức tường phía đối diện. Fern ngồi dậy và bò tới lối thoát gần nhất. Hóa ra đó là cầu thang bộ A. Chỗ ấy rất tối và Fern ngửi thấy mùi khói. Nhưng ở đâu đó có một số vết sáng mờ mờ. Anh nghĩ chỉ còn cách duy nhất là đi xuống. Fern nói: “Tôi cứ chạy và chạy, rồi bỗng nhiên có một phụ nữ và một nam giới bảo tôi rằng không thể đi qua được nữa đâu, có đoạn tường chắn ở giữa đường. Tôi không để ý đến họ, cũng chẳng nói năng gì; tôi cố gắng đẩy chướng ngại vật ra và tìm lối thoát. Tôi hy vọng họ đi theo tôi”. Một lát sau, Fern lại gặp phải đoạn tường đổ khác và lần này thì anh nhảy qua. Anh cứ chạy và cảm thấy cầu thang như dài ra vô tận. Con người may mắn này nói: “Xuống đến những tầng 30, chân tôi nặng như chì. Tôi không thể dừng lại nghỉ được, dù chỉ một lát. Tôi chỉ nghĩ phải ra khỏi đó”.
Ngay sau Fern, một nhóm 6-7 người cũng rời tầng 84, đứng đầu số này là Brian Clark, Phó giám đốc điều hành hãng Euro Brokers, 54 tuổi. Xuống được 3 tầng, họ cũng gặp một phụ nữ và một người đàn ông. Có thể đây chính là đôi đã bắt chuyện với Fern. Họ lại cảnh báo rằng không thể đi xuống được vì có khói, lửa cháy và nên quay trở lại. Trong khi đang tranh cãi nên làm gì, Clark nghe một tiếng sập lớn từ bức tường phía bên kia và tiếng kêu cứu. Ông nhìn quanh đoạn cầu thang dẫn tới tầng 81. Clark thấy Bobby Coll, Kevin York và David Vera, những người tìm cách đi lên phía trên. Họ đều đã chết.
![]() |
Người kêu cứu là Stanley Praimnathe, 45 tuổi, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Fuji. Hồi sáng, thấy quả cầu lửa ở tòa tháp phía bắc, ông đã đi ra lối lên xuống. Nhưng khi nhận thông báo tòa nhà mình đứng an toàn, thì ông cùng đồng nghiệp lại trở lại văn phòng. Lúc Praimnath kêu cứu, Clark đang ở cách đó 6 mét. Có quá nhiều gạch vụn, Praimnath rất khó thở. Clark cố vượt qua đoạn tường vỡ tới cứu Praimnath. Thật ngạc nhiên, cả hai đều không hề hấn gì. Họ vượt qua cầu thang bộ dài như vô tận xuống phố và đi tới nhà thờ Trinity. Praimnath nói: “Anh đã cứu sống tôi”. Clark đáp lại: “Stanley, có thể là như vậy. Nhưng có thể chính ông cũng đã cứu tôi”. Đúng lúc ấy, tòa tháp đổ sập.
Trong khi Clark và Praimnath đi xuống, Young, đang bị bỏng nặng, ngồi giữa những thi thể trên tầng 78 và đợi được giải cứu. Chị nói: “Tôi tìm thang bộ, nhưng không biết nó ở đâu nữa. Chẳng có dấu hiệu gì cả”. Đột nhiên, có tiếng nói: “Tôi tìm thấy cầu thang rồi. Đi theo tôi”. Young hướng theo giọng của người đàn ông đó. Đến lối lên xuống, họ đi cùng một toán khác, gồm Judy Wein và ít nhất hai người nữa. Cả nhóm của Young và Wein đều đi tới tầng 40 và có thang máy đưa họ tới nơi an toàn. Young nói: “Nếu không có anh ấy, chúng tôi sẽ phải đợi tới lúc lính cứu hỏa tới đưa đi. Và họ không bao giờ tới được chỗ chúng tôi cả”.
Hai người phụ nữ có thể sẽ không bao giờ biết tên của nam thanh niên hay số phận của anh, nếu vào tháng 5, tài liệu về anh không được đăng trên New York Times. Đó là anh Welles, 24 tuổi, con trai ông Jefferson và bà Alison Crowther. Anh làm nghề buôn bán cổ phiếu và trở thành lính cứu hỏa tình nguyện vào ngày 11/9. Welles đã chết trong đống đổ nát.
Những đoạn kết
Từ tháng 5, hai người phụ nữ Young và Wein trở nên thân thiết với gia đình Crowther. Welles Crowther lẽ ra có thể giữ được mạng sống của mình, nhưng anh đã dừng lại cứu Wein, Young và ít nhất 4 người khác nữa, và đánh đổi cuộc sống cho họ. Ông bố Jefferson hết sức tự hào về lòng dũng cảm của con trai nhưng cũng rất đau buồn. Ông cho rằng Welles đã không nhận thấy nguy cơ sập nhà mà quyết định đi lên.
![]() |
Ngày 15/9/2001, nhóm người may mắn sống sót đầu tiên được tới quan sát hiện trường vụ khủng bố. |
Còn Kelly Reyher vẫn đi từ tầng 78 lên bằng thang máy, trong khi những người khôn ngoan đi xuống. Tuy nhiên, những đồng nghiệp dùng thang máy nhanh để tới nơi an toàn đã không tới đích. Reyher may mắn ở chỗ khi nhìn ra ngoài, anh thấy các đồng nghiệp Keating Crown và Donna Spera đang dùng thang bộ A. Anh đã cùng họ tới nơi an toàn. Ngay ngày hôm sau, Reyher cùng vợ chưa cưới Liz và con gái 18 tháng tuổi Caitlin lái xe rất nhanh ra khỏi thành phố. Lần đầu tiên, anh bật khóc vì sự may mắn thoát chết của mình, sự sống quý giá mà anh đã gần như để tuột mất, và khóc thương các nạn nhân xấu số trên toàn quốc. Cảm giác ấy luôn có trong Reyher suốt năm 2001, về một buổi sáng đáng sợ ở New York.
Nguyễn Hạnh (theo Newsweek)