![]() |
Ảnh: Thanh Niên. |
Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, hội chứng động mạch mạc treo tràng trên (hay bệnh Wilkie) xảy ra do có sự chèn ép phần ngang của tá tràng giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ bụng. Bệnh thường có biểu hiện rõ ràng khi trẻ đã lớn, khoảng 9-10 tuổi.
Còn theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật của Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, động mạch mạc treo tràng trên thường tạo một góc 45 độ với động mạch chủ bụng. Còn 1/3 đoạn cuối của tá tràng thì nằm giữa phía trước động mạch mạc treo tràng trên và phía sau động mạch chủ bụng. Nếu một nguyên nhân nào đó làm hẹp góc giữa 2 động mạch này (dưới 25 độ), phần tá tràng nói trên sẽ bị chèn ép, gây ra hội chứng động mạch mạc treo tràng trên. Có nhiều nguyên nhân làm cho góc trên hẹp lại: Mất lớp mỡ (được xem là lớp đệm) giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ bụng; dây chằng tá - hỗng tràng ngắn; bất thường ở đốt sống thắt lưng 1, 2...
Triệu chứng thường gặp của hội chứng động mạch mạc treo tràng trên bao gồm: Đau bụng vùng thượng vị, nôn ói tái diễn thường xuyên, ợ hơi, có thể nôn nhiều ra dịch mật hoặc thức ăn đã tiêu hóa một phần, khó chịu sau khi ăn, đầy bụng... Các triệu chứng này sẽ giảm một cách rõ rệt khi trẻ nằm nghiêng bên trái, nằm sấp, hoặc nằm co ở tư thế hai đầu gối gập vào ngực. Trẻ nằm ngửa sẽ làm tăng những triệu chứng. Hơn 2/3 số bệnh nhi có thể trạng mệt mỏi, suy nhược.
Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, khi mắc hội chứng động mạch mạc treo tràng trên, đường tiêu hóa của trẻ giống như tình trạng con đường bị kẹt xe. Nó hẹp lại, thức ăn bị ứ đọng, khiến trẻ bị đầy bụng, chướng bụng, đau rất dữ và nôn. Nếu trẻ nằm sấp, nằm nghiêng qua trái, chỗ đường tiêu hóa bị hẹp sẽ giãn ra, giúp trẻ đỡ đau.
Triệu chứng đau bụng sau ăn khiến cho trẻ rất sợ ăn. Vì thế, trẻ mắc bệnh này còn có đặc điểm nữa là không lên cân. Nhiều trẻ đã mười mấy tuổi nhưng chỉ nặng ngoài 20 kg.
Chẩn đoán dễ nhầm lẫn
Cháu Nguyễn Quốc Duy (12 tuổi, ngụ ở tỉnh Đồng Tháp) mắc hội chứng động mạch mạc treo tràng trên nhưng lâu nay vẫn được điều trị theo chẩn đoán là hội chứng dạ dày tá tràng. Mãi đến dịp Tết và rồi, cháu mới được chẩn đoán đúng bệnh và phẫu thuật gấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong cơn đau bụng dữ dội.
Theo các bác sĩ, việc chẩn đoán hội chứng động mạch mạc treo tràng trên rất khó khăn. Ban đầu, bệnh rất dễ "hướng" bác sĩ nhầm lẫn với hội chứng dạ dày tá tràng; loét dạ dày; viêm tụỵ cấp... bởi các triệu chứng: buồn nôn, nôn, đau thượng vị, đầy hơi, khó chịu sau khi ăn no.
Ngoài siêu âm, X-quang, CT-Scaner được xem là "tiêu chuẩn vàng" trong chẩn đoán hội chứng động mạch mạc treo tràng trên. Về điều trị, có hai hướng:
- Trước hết điều trị nội khoa (thường liên tục 3-6 tháng) để nâng tổng trạng trẻ lên bằng việc đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, chia bữa ăn ra làm nhiều lần trong ngày, tạo tư thế đúng sau khi ăn để giảm sự chèn ép; nuôi ăn qua ống sonde. Bác sĩ cũng điều trị các biến chứng do bệnh gây ra. Nếu điều trị nội khoa bất thành thì mới phẫu thuật.
- Phẫu thuật sớm nếu trẻ thường xuyên đau bụng, nôn ói khiến bố mẹ xót ruột, không đủ can đảm chờ đợi kết quả điều trị nội khoa. Phẫu thuật sẽ giải quyết chỗ đường tiêu hóa bị hẹp đó, bằng cách mổ bắc cầu, nối một đoạn ruột trên và dưới chỗ hẹp lại với nhau, tạo thêm một đường mới lưu thông thức ăn, giải áp cho chỗ kẹt
Hiện tại ở TP HCM có hai bệnh viện chuyên khoa nhi chữa trị hội chứng động mạch mạc treo tràng trên là Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2. Việc phẫu thuật điều trị căn bệnh này hiện chỉ có ở Nhi Đồng 1 (đã phẫu thuật được 15 trường hợp).
(Theo Thanh Niên)