Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,37% xuống còn 11.284,15 điểm. Chỉ số Nasdaq đóng cửa tại 2.285,56 điểm, mất 1,1%. Chỉ số Standard & Poor 500 cũng đi xuống 0,9%, hiện ở mức 1.249,01 điểm.
Dù được hỗ trợ bởi giá dầu giảm, chứng khoán Mỹ vẫn đi xuống. Lý do là một số nhà đầu tư cẩn trọng bán chứng khoán để tránh rủi ro có thể xuất hiện khi những quyết định liên quan tới lãi suất có thể được Cục Dự trữ Liên bang (FED) đưa ra vào hôm nay. Theo dự đoán của giới chứng khoán để chống lại lạm phát cũng như kinh tế suy yếu, nhiều khả năng FED vẫn sẽ duy trì mức lãi suất như hiện tại.
Ông Ryan Larson, Trưởng Giao dịch tại Voyageur Asset Management, Chicago, cho biết cuộc họp của FED sẽ có tác động rất lớn tới viễn cảnh kinh tế Mỹ trong thời gian tới.
Theo ông Larson, ngoài thông tin về lãi suất, thị cũng trường rất quan tâm tới những tuyên bố của các quan chức FED để từ đó đoán biết khi nào lãi suất sẽ được nâng lên.
Tuy mất điểm nhưng việc dầu tiếp tục giảm là một tín hiệu rất tích cực cho chứng khoán Mỹ trong thời gian tới. Ảnh: cache.daylife.com. |
Dầu thô giảm 3,69 đôla xuống chỉ còn 121,41 đôla một thùng, có những thời điểm giá dầu đã rơi xuống 119,5 đôla một thùng. Giá dầu giảm được cho là phản ứng của các nhà đầu tư trước việc cơn bão nhiệt đới tại vịnh Mexico, một vựa dầu của thế giới, đang yếu đi.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, bất chấp nguồn cung có thể bị hạn chế do căng thẳng về chính trị tại Iran, dầu còn có thể tiếp tục mất điểm vì nhu cầu sử dụng loại nhiên liệu này đang ít đi.
Giá dầu thụt lùi có thể kéo theo cả sự đi xuống của xăng. Nếu điều này xảy ra thì áp lực lạm phát sẽ được giảm bớt, từ đó giúp kinh tế Mỹ cũng như thị trường chứng khoán hồi phục.
Theo Bộ Thương mại, mức thu nhập cũng như chi tiêu của người dân Mỹ tăng trong tháng sáu.
Thu nhập cá nhân tăng 0,1% sau khi đi lên 1,8% trong tháng năm. Mức tăng này bắt nguồn từ kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, trong đó có việc hoàn trả hàng tỷ đôla tiền thuế trong tháng 5 và 6.
Chi tiêu cá nhân tăng 0,6%, cao hơn dự đoán 0,5% của các chuyên gia kinh tế. Sau khi điều chỉnh số liệu này với số liệu lạm phát, chi tiêu cá nhân tháng sáu thực tế giảm 0,2% sau khi tăng 0,3% vào tháng năm.
Trong ngày thứ ba tới, kết quả kinh doanh quý II của một số tập đoàn như Cisco Systems, News Corp, và Procter & Gamble sẽ được công bố.
Tại châu Á, phiên giao dịch đầu tuần diễn ra không mấy suôn sẻ với việc các thị trường lớn mất điểm hàng loạt. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật, giảm 1,23%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,52%. Chỉ số tổng hợp Shang Hai của Trung Quốc mất 2,14%.
Chứng khoán châu Âu, cũng không tránh được một phiên đỏ sàn. Tại Anh, chỉ số FTSE 100 giảm 0,64%. Trong đó, ngành ngân hàng mất điểm khá mạnh do HSBC, ngân hàng lớn nhất châu Âu, có lợi nhuận giảm mạnh trong quý II. Trong đó, chịu thiệt hại nặng nề nhất là các chi nhánh Bắc Mỹ nơi được coi là tâm của cơn bão khủng hoảng tín dụng.
Chỉ số DAX của Đức và CAC 40 của Pháp thấp hơn so với phiên cuối tuần trước lần lượt là 0,73% và 0,78%.
Xuân Hòa (Theo CNN)