Chốt phiên giao dịch ngày 11/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 196,33 điểm, tương đương 2,24% xuống còn 8.565,09 điểm. Standard & Poor's 500 lao dốc 2,85% xuống còn 873,59 điểm. Nhóm cổ phiếu công nghệ bi bét hơn, khi Nasdaq giảm tới 3,68%, xuống còn 1.507,88 điểm.
Trong bối cảnh thị trường còn rối ren như hiện nay, nhà đầu tư có xu hướng tìm sự trú ẩn an toàn trong cổ phiếu của các hãng lớn. Vì thế, chỉ số Russell 2000 trong phiên giao dịch hôm qua tụt dốc 5,3% xuống còn 451,21 điểm.
Tính chung toàn sàn giao dịch New York, cứ 3 cổ phiếu giảm giá mới có một mã tăng. Nhà đầu tư đua bán tháo cổ phiếu, đẩy khối lượng giao dịch lên đến 5,39 tỷ cổ phiếu, tăng gần 300 triệu so với hôm thứ tư.
Làn sóng bán tháo diễn ra ngay từ đầu phiên, khi tin tức về tỷ lệ thất nghiệp và thâm hụt thương mại lan rộng. Thị trường phục hồi chút đỉnh vào giữa phiên, nhưng ngay sau đó lại bị nhấn chìm bởi nhà đầu tư lo lắng về kết quả buổi làm việc tại Thượng viện Mỹ liên quan tới kế hoạch cứu trợ ngành công nghiệp ôtô.
Cổ phiếu ô tô rớt giá thảm hại nhất. GM giảml 48 cent, tương đương 10,4% xuống 4,12 USD. Trong khi Ford giảm 35 cent, tương đương 10,8% xuống 2,90 USD. Riêng Chrysler chưa niêm yết cổ phiếu.
"Những gì đang diễn ra trong Thượng viện thực sự có tác động rất lớn tới thị trường", Robert Froehlich, chuyên gia cao cấp về đầu tư của DWS Investments ám chí tới việc thông qua kế hoạch cứu trợ ngành công nghiệp ôtô. Theo ông, thị trường có thể lặp lại kịch bản tồi tệ của ngày 29/9, khi lần đầu tiên Quốc hội Mỹ bác bỏ gói giải pháp tài chính 700 tỷ USD của Nhà Trắng. Hôm đó, chỉ số Dow Jones mất tới 777 điểm.
Sau khi đã được Hạ viện thông qua hôm thứ tư, kế hoạch cấp 14 tỷ USD cho hai đại gia General Motors và Chrysler vấp phải khó khăn đầu tiên. Ý kiến phản đối ở hai đảng trong Thượng viện ngày càng nhiều. Khi sàn chứng khoán New York đóng cửa phiên giao dịch, gói giải pháp này vẫn tắc ở Thượng viện, tranh luận vẫn chưa tới hồi ngã ngũ.
Phe phản đối cho rằng cần đưa ra những điều kiện khắt khe hơn về lương, lợi nhuận của các hãng nếu họ muốn nhận hỗ trợ của Chính phủ. Lãnh đạo ba hãng cự nự rằng bất cứ ai trong số họ đi tới chỗ phá sản sẽ là mối nguy cực lớn với toàn bộ nền kinh tế, hàng nghìn người sẽ mất việc làm.
Diễn biến tại các sàn chứng khoán Á, Âu không đồng nhất. Chốt phiên hôm qua, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 0,7%. FTSE-100 của Anh tăng 0,49% trong khi DAX của Đức giảm 0,78%, CAC của Pháp mất 0,43%.
Song Linh (theo AP)