Ảnh: allposters.com. |
Lễ Giáng sinh được bắt đầu tổ chức từ năm 354 (hơn ba thế kỷ rưỡi sau khi Chúa ra đời). Trên thực tế người ta lấy 25/12 làm ngày tổ chức buổi lễ mặc dù cho đến nay chưa có ai tìm thấy bằng chứng cho thấy đó chính là ngày Chúa được sinh ra.
Theo kinh thánh, trong đêm Chúa chào đời, ba mục đồng đã đi theo một ngôi sao sáng rực (ngày nay gọi là sao Giáng sinh) tới thành phố Bethlehem để tìm Chúa. Trước đây nhiều nhà khoa học suy đoán rằng, ngôi sao dẫn đường cho các mục đồng có thể là một sao siêu lớn đang nổ tung hoặc một sao chổi vì chúng phát ra ánh sáng cực mạnh. Tuy nhiên, chưa có ai tìm ra bằng chứng đáng thuyết phục để chứng minh giả thiết này.
Dave Reneke, một nhà thiên văn học người Australia kiêm biên tập viên tạp chí Sky and Space và các đồng nghiệp đã sử dụng một phần mềm máy tính để xác định vị trí chính xác của các thiên thể trong buổi tối mà Chúa chào đời tại vùng đất thánh cách đây hơn 2.000 năm.
"Chúng tôi có một phần mềm có khả năng tái hiện vị trí các ngôi sao trên bầu trời tại mọi thời điểm trong suốt vài nghìn năm", Dave phát biểu. Nhóm các nhà khoa học này nhận định sao Giáng sinh có thể là sự liên kết giữa sao Kim và sao Mộc. Khi di chuyển tới gần nhau, hai hành tinh này phát ra ánh sáng có cường độ rất lớn. Phần lớn họ đồng ý rằng Chúa giáng sinh trong khoảng thời gian từ năm thứ 3 trước Công nguyên và năm thứ nhất sau Công nguyên.
Sau khi tham khảo sách Phúc âm Matthew (một trong 4 cuốn sách quan trọng nhất trong kinh Tân Ước viết về cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Jesus), Dave Reneke đã xác định được vị trí kết hợp của sao Kim và sao Mộc trong chòm sao Sư tử.
"Phần mềm cho thấy sao Mộc tiến tới sát sao Kim vào năm 2 trước Công nguyên và chúng phát ra thứ ánh sáng cực mạnh vào đêm 17/6. Chúng tôi không khẳng định đó là sao Giáng sinh, nhưng đây là lập luận đáng tin cậy nhất về mặt khoa học để giải thích nguồn gốc của nó. Những mục đồng nhầm tưởng hai hành tinh đó là một ngôi sao nên lấy nó làm mốc để tìm kiếm Chúa", Dave nói.
Dave cho rằng ông chấp nhận việc người ta tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 25/12, nhưng điều đó không có nghĩa là Chúa chào đời vào ngày này. Nếu phát hiện của Dave và cộng sự được chấp nhận rộng rãi, chúng ta sẽ phải loại bỏ những hình ảnh về băng tuyết trên bưu thiếp mừng Giáng sinh và thay thế chúng bằng những hình ảnh mùa hè.
Minh Long (theo Daily Mail)