Dự giờ cùng Chủ tịch tỉnh là ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế. Hai ông vào lớp 9/7, ngồi dãy ghế cuối cùng, chăm chú lắng nghe, quan sát và ghi chép. Ông Thọ nói muốn nắm được phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống thông qua bài giảng.
Sau tiết học, ông Thọ đánh giá cao cách truyền đạt của thầy giáo Đỗ Anh Tuấn, song đề nghị khi giảng cho học sinh về truyền thống của người Việt Nam, giáo viên cần đưa ra những câu chuyện nhỏ mang tính thực tiễn. Ví dụ, tên trường là Trần Cao Vân thì phải biết đó ai, danh tiếng thế nào?
Sau tiết dự giờ, ông Thọ tặng học sinh và thầy giáo lớp 9/7 những chai thủy tinh đựng nước nhằm hưởng ứng phong trào không sử dụng chai nhựa của tỉnh. Nhiều em tỏ ra thích thú vì nhà trường đã phát động phong trào này.
Cùng ngày, khi đến dự giờ tiết học đạo đức tại trường Tiểu học Vĩnh Ninh (phường Vĩnh Ninh), ông Thọ chia sẻ với học sinh về nội dung tiết kiệm, chống lãng phí. Ông khuyên các em thực hành tiết kiệm bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất như cẩn thận giữ gìn sách vở, dụng cụ học tập.
Trao đổi lãnh đạo nhà trường, ông Thọ cho rằng giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục. Tỉnh đang hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc, trường học kiểu mẫu nên nhà trường, thầy cô phải nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo.
"Chúng ta phải làm sao tạo được môi trường học tập yêu thương, an toàn và tôn trọng học sinh để các em vui vẻ khi đến trường", ông Thọ nói.
Cả hai nhà trường đều không biết trước kế hoạch dự giờ của Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Cô Trần Lan Phương, Hiệu trưởng THCS Trần Cao Vân, chỉ biết Chủ tịch Thọ đến qua hệ thống camera lắp đặt trước cổng trường. "Ông Thọ nói muốn sang thăm mô hình trường học hạnh phúc mà trường đang xây dựng, muốn gặp cô giáo Thanh Phương, người thể hiện lời chào yêu thương với học sinh bằng những cái ôm mà báo chí nhắc đến", cô Lan Phương nói.
Võ Thạnh