- Ông ấn tượng với điều gì nhất trong lần thứ 3 tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)?
- Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay, người ta tiếp tục bàn về môi trường kinh doanh toàn cầu và các vấn đề liên quan đến cải cách hệ thống tài chính. Nhưng điều tôi ấn tượng nhất là cải cách nông nghiệp được đôn lên thành trọng tâm. Thế giới đang phải đối phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực khi chạm ngưỡng 9 tỷ người vào năm 2050.
Với khoảng 7 tỷ người hiện nay, đã có tới 850 triệu dân sống trong cảnh thiếu lương thực và hàng trăm triệu trẻ em bị suy sinh dưỡng. Do vậy, chủ đề tái cơ cấu nông nghiệp nhận được sự quan tâm từ các trường đại học lớn, nhà nghiên cứu cho đến những tập đoàn hàng đầu thế giới. Họ đã đưa ra nhiều sáng kiến cho cấu trúc nông nghiệp và giải quyết khủng hoảng.
Bên cạnh đó, Chính phủ các nước cũng thể hiện sự quan tâm đến nông nghiệp, từ chính sách, công nghệ đến cơ chế hợp tác công - tư trong vấn đề này. Là thành viên của chương trình sáng kiến Tầm nhìn mới cho ngành nông nghiệp tại Diễn đàn, Việt Nam tích cực tham gia vào chủ đề này. Dù chưa trực tiếp đăng đàn nhưng với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp đã thể hiện rõ.
- Trong bối cảnh nông nghiệp ngày càng được quan tâm, Việt Nam sẽ nhận được những cơ hội gì, thưa ông?
- Phát triển nông nghiệp sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Tại buổi gặp gỡ của chúng tôi với lãnh đạo Dupont, một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp của Mỹ, hãng này đã bày tỏ mong muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu...
Ngành công nghệ thông tin cũng có thêm động lực mới khi đây là phương thức để nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh và tạo sự minh bạch cho các định chế trong ngành nông nghiệp. Hãy thử tưởng tượng một tương lai khi Walmart (Mỹ) vào Việt Nam, hãng sẽ biết con gà được nuôi tại Việt Nam được nở ngày nào, ăn gì và phát triển ra sao cho đến khi được bày bán trong các siêu thị.
Bên cạnh đó, kinh doanh nông nghiệp lại rất phù hợp cho các lãnh đạo trẻ khởi nghiệp theo mô hình doanh nghiệp xã hội. Với họ, nắm bắt xu thế mới của công nghệ là trong tầm tay. Thay vì thiện nguyện quần áo, các bạn trẻ có thể đưa công nghệ về vùng nông thôn nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Điều này sẽ mở ra tương lai sáng lạn cho nông dân Việt Nam bởi thị trường đầu ra đã rất rộng mở với sự xuất hiện của các nhà bán lẻ lớn như Walmart, Aeon, Metro....
- Nhắc đến ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, vậy FPT sẽ được hưởng lợi gì trong quá trình này?
- Tại Davos, trong cuộc trò chuyện với nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rösler, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh tái cơ cấu nông nghiệp chưa thể thành công nếu năng suất lao động không được nâng cao và chưa tiếp thu những công nghệ hiện đại nhất. Do vậy, đây chính là cơ hội cho những doanh nghiệp vốn có truyền thống về công nghệ thông tin như FPT.
Ngoài ra, tôi cũng có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo của 20 tập đoàn lớn trên thế giới và các bên đều cam kết sẽ tiếp tục bàn bạc về sự hợp tác sâu hơn. Đây là kết quả tốt nhất từ trước đến nay, bởi những vấn đề tập đoàn đặt ra đã cụ thể hơn và đúng với nhịp điệu của thế giới. Hiện tất cả các tập đoàn khi nói về thế giới số đều nhấn mạnh đến mạng xã hội, di động và điện toán đám mây.
- Vậy môi trường kinh doanh toàn cầu 2014 đã được các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận ra sao, thưa ông?
- Tại ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị, các chuyên gia đều nhận định môi trường kinh doanh năm 2014 khả quan hơn trong điều kiện kinh tế Mỹ tăng trưởng, Nhật Bản trên đà hồi phục mạnh mẽ, khu vực châu Âu dần ổn định và các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, họ vẫn thận trọng về sự phát triển dài hạn khi các rủi ro cũ vẫn tồn tại mà chưa giải quyết triệt để, chẳng hạn như cải cách thị trường tài chính và sự phát triển bất cân xứng giữa các khu vực.
Do vậy, một số chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của tái cơ cấu. Chương trình nghị sự cho năm 2014 sẽ là hoàn thành cải cách tài chính và được thực hiện liên tục cho đến 2015.
Liên quan đến tình hình khu vực, diễn đàn năm nay đã dành một phiên họp riêng với chủ đề "Tái định hình ASEAN và các tác động đối với tăng trưởng tại Đông Á", xoay quanh lợi ích của các quốc gia khi là thành viên của ASEAN. Với một thị trường khoảng 700 triệu dân, ASEAN được đánh giá là động cơ tăng trưởng của châu Á cũng như toàn thế giới. Trong tương lai, khu vực này sẽ cần tiếng nói quan trọng và có sức mạnh hơn trong các cuộc đàm phán.
Riêng Việt Nam, các nhà đầu tư đều nhận định đây đang là điểm đến hấp dẫn, vượt trên các quốc gia từng được đặt nhiều kỳ vọng như Indonesia, Phillipines và Malaysia. Trước hết, họ đánh giá Việt Nam là một quốc gia có môi trường vĩ mô ổn định, quy mô dân số đứng thứ 14 trên thế giới và chủ yếu là dân số trẻ.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đại biểu đưa ra mà chúng ta cần suy nghĩ, đó là "10 năm trước thế giới đã nhìn Việt Nam như một tầm vươn kiểu Trung Quốc, nhưng đến nay có vẻ không phải như vậy. Phía Việt Nam bình luận thế nào?". Trước vấn đề này, Phó thủ tướng đã trả lời là Việt Nam đang tập trung tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thể chế và đầu tư cơ sở hạ tầng. Những vấn đề này sẽ tạo ra sức bật cho Việt Nam trong tương lai.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang dần ấm lên, Hội nghị thường niên WEF 2014 nhận được sự quan tâm hơn so với các năm trước, thể hiện qua lượng khách tham dự lên tới 3.000 người, gấp đôi mức 1.500 người trước đây. Đoàn Việt Nam tham dự diễn đàn lần này gồm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng các doanh nghiệp như FPT, VinaCapital, Vingroup… Đoàn đã có cuộc gặp với ông Philipp Rösler, nguyên là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức hiện đã chuyển sang làm Giám đốc Diễn đàn Kinh tế thế giới. Trong cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã bày tỏ ba vấn đề nóng của kinh tế Việt nam, đó là cải cách thể chế để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, phát triển công nghệ thông tin và tái cơ cấu nông nghiệp. Diễn đàn cũng đề cập đến ý tưởng lập một nhóm các nước đặc biệt quan tâm về vấn đề này như Lào, Campuchia và Myanmar để cùng phối hợp cải cách thể chế. |
Phương Linh