From: Ly
Sent: Tuesday, January 09, 2007 10:45 AM
To: tamsu@vnexpress.net
Subject: Tam su
Tôi và anh ấy gặp nhau trong giảng đường đại học. Tình yêu sinh viên đầy thơ mộng và nồng nàn đã được đơm hóa, kết trái bằng một đám cưới mà không có gì trở ngại. Một thời gian sau hôn nhân mà vẫn không có tin vui, tôi cùng chồng đến bệnh viện làm các xét nghiệm. Thế rồi sự thật đã khiến tôi không thể tin ở tai mình, rằng chồng tôi không thể sinh con vì lượng tinh dịch ít, lại không có tinh trùng.
Trong mấy phút ngắn ngủi nơi phòng khám, người bác sĩ đầy kinh nghiệm đã khuyên rằng tôi không nên nói chuyện này với chồng vì điều đó sẽ khiến anh đau khổ và tốt nhất là “nên tìm sự trợ giúp của người thân” bởi trong trường hợp này y học gần như “bó tay”. Với một lý do đơn giản để giải thích trong tình huống này đã khiến anh hoàn toàn tin tưởng.
Chuyện tưởng như chỉ có trong phim trường, ai ngờ lại xảy ra với tôi? Bao nhiêu năm sống tự lập, tôi chưa từng trải qua những sự kiện nào kinh khủng như thế này. Tôi buồn mà chẳng dám khóc, tôi đau mà chẳng dám kêu. Câu chuyện ngày xưa tôi vô tình được nghe về một cặp vợ chồng nọ, người vợ đã phải lặng lẽ “hành động” để có một đứa con khi người chồng không có khả năng.
Cuộc sống của họ đã thực sự hạnh phúc cho đến một ngày kia, khi bà chuẩn bị nhắm mắt sang bên kia cõi vĩnh hằng, bà đã nói hết sự thật với chồng mình để rồi từ đó ông đau khổ đến tận cùng. Ông đau vì thương hay hận bà? Có rất nhiều sự nhận xét trái chiều từ phía người nghe, nhưng tôi thiết nghĩ nếu bà vẫn giữ câu chuyện bí mật của mình thì có lẽ kết quả đã “mỹ mãn” hơn.
Chuyện của người thì dễ “phán”, nhưng đến lượt mình thì thật là bối rối. Tôi phải làm thế nào đây để chồng tôi không phải đau khổ mà bản thân vẫn có thể hạnh phúc như bao người phụ nữ khác? Còn cả bố mẹ chồng tôi nữa, trong khi vẫn mang nặng tư tưởng phong kiến, họ sẽ sống ra sao nếu đứa con duy nhất của họ không thể cho họ một đứa cháu?
Và còn một lý do cơ bản nữa không thể bỏ ngoài tai, đó là lời thì thầm của những người xung quanh, đặc biệt là chị em phụ nữ cùng cơ quan. Với sự hiểu biết ngắn ngủi của mình về lĩnh vực này, họ sẵn sàng gắn tội cho phái nữ mà đâu biết rằng theo đánh giá của giới chuyên môn, nguyên nhân do nam và nữ như nhau, ở mức 40%; 10% do không tương hợp và 10% còn lại là các nguyên nhân khác.
Tôi sẽ sống và giải thích ra sao trong suốt quãng đời còn lại? Tôi không muốn khoác lên mình một “khiếm khuyết” vốn cực kỳ tế nhị này. Nhiều đêm liền mất ngủ, đứng bên cửa sổ nhìn lên bầu trời đen tối có điểm một vài ngôi sao, tôi đã khóc không biết bao nhiêu là nước mắt. Chẳng biết chia sẻ cùng ai trong số những người thân cho vơi bớt nỗi sầu vì theo quan điểm của tôi, chuyện sẽ thật khó bí mật nếu có thêm một người biết.
Thế rồi tôi quyết định bí mật đến bệnh viện để nhờ cậy vào những thành tựu y học hiện có. Mặc dù có những phiền toái đáng sợ, nhưng tôi cũng nhanh chóng có tin vui. Đứa trẻ chào đời là niềm hạnh phúc vô bờ bến của cả bên nội và bên ngoại. Câu chuyện tưởng đến đây là kết thúc, nhưng cuộc đời thật không đơn giản! Đã mấy năm trôi qua, cuộc sống thì ngày một đầy đủ hơn và những câu hỏi của người thân về đứa thứ hai luôn làm trái tim tôi phải đau đớn. Họ thúc giục, thậm chí nghi vấn về khả năng (“máy móc” lâu ngày liệu có hỏng hóc?). Điều đó không quan trọng lắm song vấn đề cơ bản là sự khao khát của ông bà nội, ngoại và cả chồng tôi nữa.
Tôi phải giải thích và hành động như thế nào đây?
- Đến bệnh viện một lần nữa ư? Tôi rất sợ!
- Nhờ vào sự giúp đỡ của “người thân”? Tôi không thích lắm!
- Không sinh đứa thứ hai? Tôi rất buồn!
.....
Xin bạn hãy cho tôi lời khuyên.
Ý kiến gửi về Tamsu@VnExpress.net (Gõ có dấu, gửi file kèm).