Ảnh: frazpc. |
Từ rất lâu, cuộc tranh cãi giữa giới ủng hộ mã nguồn mở và phe chuộng phần mềm thương mại đã nổ ra, để rồi kéo dài cho đến không biết bao giờ. Diễn đàn bạn đọc viết tại VnExpress cũng chứng kiến những tranh luận dường như bất tận về đề tài này với nhiều quan điểm, dẫn chứng, phản biện... Người cho rằng Linux là một cuộc chơi đầy hào hứng hay mã mở có thể đánh bại mã đóng trong tương lai. Người khác lại ví Linux như đối thủ cạnh tranh lập dị... Và cũng có bình luận rằng thật thô thiển khi so sánh Windows và Linux.
Trong buổi thảo luận về ứng dụng phần mềm nguồn mở tại cơ quan Đảng và nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hôm 28/4, nhiều chuyên gia đã nhận định tính chất của công nghệ không phải là điều quyết định cho sự phát triển và hiện đại hóa của một tổ chức hay doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng là đơn vị đó phải biết mình muốn gì, cần gì và công nghệ nào là phù hợp với khả năng tài chính, năng lực của mình để lấy đó làm định hướng.
Nhìn từ góc độ thị trường, mã nguồn đóng có một vị trí rất tốt vì dựa trên giá trị thương mại. Lợi nhuận thu về là là minh chứng bảo đảm cho sự tồn tại của xu hướng này. Nhưng khi nguồn mở xuất hiện đã tạo nên sự cân bằng cả về mặt công nghệ và thị trường. Nhờ có hai đối tượng tồn tại song song song đó, người sử dụng được đặt ở một điểm cân bằng trong lựa chọn.
"Nếu cứ bàn luận về giá trị công nghệ thì câu chuyện này sẽ mãi chẳng đi tới đâu. Làm việc trong cả môi trường mã mở và đóng, tôi thấu hiểu rằng đối với đơn vị kinh doanh, lợi nhuận là điều quan trọng và vì thế phần mềm thương mại với công nghệ đã được kiểm chứng, dịch vụ trọn gói... sẽ là lựa chọn đầu tiên để đảm bảo sự an toàn cho tất cả các giá trị đầu tư", ông Hoàng Ngọc Hùng, Tổng giám đốc CMCsoft, phân tích. "Nhưng ngược lại, trong một số mảng thì giá trị của mã nguồn mở cũng có thế mạnh không thể phủ nhận. Suy cho cùng, sự phù hợp trong đầu tư chính là giá trị mà mỗi đơn vị lấy làm thước đo lựa chọn công nghệ".
Vào WTO, Việt Nam băn khoăn trước mã mở và đóng |
Trung Quốc: Cả mã đóng lẫn mở đều tốt |
Ứng dụng phần mềm nguồn mở là một phần của Đề án tin học hóa hoạt động trong các cơ quan Đảng (Đề án 47). Theo ông Vũ Duy Lợi, Phó giám đốc Trung tâm CNTT thuộc Văn phòng trung ương Đảng, giai đoạn triển khai 2001- 2005 đã có những thành công nhất định như: hạ tầng kỹ thuật IP sử dụng bộ giao thức TCP/IP, được tích hợp trong Linux, cung cấp các dịch vụ hệ thống cơ bản, tối thiểu là đăng nhập từ xa (Telnet), truyền tệp FTP, DNS, e-mail, web, ủy quyền... phát triển hệ thông tin điều hành tác nghiệp eDocman dùng chung... Giới chuyên môn đánh giá kết quả đó có thể gọi là sự thành công.
Trong khi đó, dự án tổng thể ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam (giai đoạn 2004-2008) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay gần như không có kết quả đáng kể nào.
"Các đơn vị thuộc bộ ngành và địa phương triển khai ứng dụng nguồn mở rất chậm. Trong các tiểu dự án cũng chỉ có hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông về xây dựng chính sách là tích cực, còn lại đều mang tính phong trào", ông Nguyễn Trung Quỳnh, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, thừa nhận. "Nếu 3 năm nữa, các đơn vị này làm được bên Đảng thì cũng là thành công lắm rồi. Cá nhân tôi cho rằng để ứng dụng nguồn mở cần có lộ trình và làm từng bước với tham vọng vừa phải".
Sự lúng túng khi đứng trước lựa chọn công nghệ, hoặc ứng dụng không hiệu quả được lý giải là do con người chưa làm chủ được chính công nghệ đó.
"Đối với mã mở thì cũng phải tính đến số tiền trong túi của mình, rồi khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực khi đầu tư vào khu vực đó, chi phí vận hành hệ thống sau khi đã triển khai xong và cuối cùng là vấn đề bản quyền", ông Hoàng Ngọc Hùng khẳng định.
"Không có công nghệ nào hoàn hảo mãi mãi. Hơn nữa, mã mở hay mã đóng đều phải trả tiền. Xu hướng phát triển nguồn mở theo hướng dịch vụ đã chứng minh điều đó", ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc iNET Solutions, nói. "Nguồn lực sẽ quyết định lựa chọn công nghệ. Nhưng giá trị và sức mạnh trong phần mềm nguồn mở sẽ cho ta một nền kinh tế tri thức mở".
Nguyễn Anh