![]() |
Ảnh: Ystadenergi. |
Bình thường, đa số trẻ em đều chập chững tập đi khi lên 1 tuổi. Chân trẻ phát triển liên tục nên giày rất mau chật. Những lưu ý sau sẽ giúp bạn chọn đôi giày phù hợp để bảo vệ, nâng niu đôi chân nhỏ bé của con từ những bước đi đầu tiên.
Bé ở tuổi nào nên mang giày?
Những trẻ mới biết bò hoặc đứng thường không cần phải đi giày. Bạn chỉ nên cho con mang tất để giữ ấm chân bé. Với trẻ từ 9-18 tháng tuổi đang trong giai đoạn tập đi, bạn nên chọn giày có phần thân cao, rộng.
Nên cho con dùng giày thật nhẹ bởi vì trẻ thường tiêu hao rất nhiều năng lượng khi đến tuổi biết đi. Một đôi giày quá nặng sẽ khiến bé nhanh mỏi chân, gặp khó khăn khi di chuyển.
Giày cho trẻ nên có độ đàn hồi và tạo sự thoải mái để các ngón chân duỗi ra một cách thoải mái, phát triển tự nhiên.
Bàn chân của trẻ thường phát triển rất nhanh. Với các bé dưới 16 tháng tuổi, bàn chân sẽ tăng kích thước lên gấp rưỡi trong 2 tháng. Trẻ 16-24 tháng tuổi sẽ mất khoảng 3 tháng, 24-36 tháng tuổi sẽ mất 4 tháng. Từ 3 tuổi trở lên, kích thước bàn chân trẻ sẽ tăng lên từ gấp rưỡi trong vòng 4-6 tháng.
Do đó, trung bình khoảng 3-4 tháng hoặc khi phát hiện chân trẻ có những dấu hiệu như sưng đỏ, chai sần..., bạn nên thay ngay giày mới cho con.
Lưu ý khi chọn giày
Chú ý đến độ dài, rộng và độ sâu của giày. Nếu chúng quá chật sẽ khiến các ngón chân trẻ bị tổn thương, chậm phát triển, bị khoằm, hình thành vết chai, gây sưng tấy.
Với phần quai hoặc thân trên của giày, bạn nên chọn chất liệu da, vải bố hoặc các chất liệu tổng hợp mềm mại.
Chân trẻ thường tiết ra mồ hôi nên thân giày phải được thiết kế thật thoáng khí. Phần đế giày bên trong cần có độ thấm hút tốt.
Đế tạo nên độ đàn hồi cho đôi giày. Những đôi giày có đế quá dày và cứng sẽ khiến trẻ đi đứng khó khăn hoặc dễ vấp ngã. Tốt nhất, nên chọn giày có đế thấp.
Trẻ em không nên mang giày cao gót. Một đôi giày có đế bằng phẳng sẽ giúp chúng chạy nhảy thoải mái hơn. Trẻ 5-6 tuổi trở lên có thể đi giày đế cao nhưng không quá 2 cm vì bàn chân của bé có xu hướng chúi về phía trước. Lực của toàn thân sẽ dồn xuống hết mũi bàn chân và tì vào mũi giày, gây đau.
(Theo Tiếp Thị & Gia Đình)