![]() |
Ảnh: Pro.corbis.com. |
Gọi cho tổng đài 1088, chị Huyền Thanh (phường 12, quận 3, TP HCM) đã nói suốt hai giờ đồng hồ về nỗi đau phải dồn nén bấy lâu. Cách đây một năm, chị vô tình đọc được tin nhắn yêu thương trên điện thoại di động của chồng. Chị thắc mắc, anh bảo: "Anh bạn đồng nghiệp thử xem em có ghen không ấy mà". Anh là người rất ít đi chơi lâu sau giờ làm việc, lại rất yêu thương vợ con nên chị tin ngay, không hỏi thêm gì.
Chẳng ngờ, cách đây vài tháng, cô bạn chị lại kể đã thấy anh đưa một người phụ nữ đi khám thai. Chị vẫn tự trấn an mình: "Biết đâu, anh giúp đỡ ai đó lúc hoàn cảnh khó khăn?" Nhưng từ đó, chị để ý thấy chồng lạnh nhạt với chuyện chăn gối hơn và hay say sưa lên mạng.
Một lần, chị lại đọc được tâm sự với lời lẽ rất thắm thiết của chồng với một người phụ nữ trên blog của anh. Chị hỏi chồng, anh lại chối. Đến khi chị đưa ra tang chứng, vật chứng rõ ràng, anh mới xin lỗi và nói đó chỉ là kiểu tán tỉnh nhăng nhít cho vui thôi. "Tôi đã quá tin tưởng vào sự đàng hoàng của chồng nên chuyện này khiến tôi suy sụp hoàn toàn. Tôi không thể tha thứ cho anh và lập tức muốn ly hôn nhưng nghĩ đến các con còn quá nhỏ, tôi lại tử nhủ, đời mình đã chẳng còn gì, thôi, vì con mà chịu đựng", chị thổn thức.
Còn chị Ngọc Linh, thị xã Tân An, Long An cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Linh đã hơn 40 tuổi, có nhan sắc và công việc ổn định. Chồng chị sinh ra trong gia đình gia phong, lễ giáo. Anh hiền lành, đứng đắn và chí thú làm ăn. Chính vì vậy, cách đây 10 năm, dù có nhiều người theo đuổi nhưng chị chỉ chọn anh, bất chấp lời can ngăn của gia đình. Chỉ đến khi chung sống, chị mới nhận ra anh là người hay ghen, phong kiến và cổ hủ. Tuy vậy, anh có điểm tốt là rất thương và lo cho con.
Từ khi thất nghiệp, tính chồng chị ngày càng gia trưởng, ích kỷ và độc đoán hơn. Anh lại tỏ ra rất tự ti, mặc cảm, mọi người càng khen ngợi vợ thì càng ghen tuông một cách bệnh hoạn. Thấy chị nói chuyện hay cười chào vui vẻ với ai, anh cũng chửi rủa không tiếc lời, có khi còn đánh vợ trước mặt các con. "Tình cảm dành cho anh đã hết nhưng nếu chia tay, tôi sợ làm tổn thương đến tâm hồn con trẻ, sợ chúng nghĩ tôi là người mẹ xấu và sẽ không chịu theo", chị đau khổ nói.
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình, luật sư Hồng Liên, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, có nhiều cặp vợ chồng, mà chủ yếu là phụ nữ, dù có mâu thuẫn trầm trọng, không khí gia đình ngột ngạt, nặng nề như địa ngục nhưng vẫn duy trì cuộc sống chung. Họ cho đó là sự hy sinh cao cả, nghĩ như thế mới hết lòng vì con. Họ sợ con mình thiệt thòi, mặc cảm với bạn bè nếu có bố mẹ ly hôn. Theo bà, cứ "diễn" trước mặt con về một gia đình hạnh phúc không phải là một giải pháp tốt, nhất là khi con còn nhỏ mà mâu thuẫn giữa vợ và chồng quá gay gắt, căng thẳng. Dù khéo giấu đến mấy, họ cũng không thể lừa dối được sự nhạy cảm của con cái.
Câu chuyện của cô gái 24 tuổi tên Trang là một bằng chứng cho thấy, "vì con" không hẳn mang lại kết quả tốt nhất cho con. Nhà Trang có hai chị em, cô vừa ra trường được vài tháng, em trai đang học lớp 12. Kinh tế gia đình ổn định. Thế nhưng, trong nhà luôn có những cơn sóng ngầm dù trước mặt chị em cô, bố mẹ vẫn tỏ ra bình thường.
Mấy năm gần đây, bố Trang thường tỏ thái độ coi thường vợ, nói với bà những lời khó nghe, thái độ gắt gỏng. Đến khi mẹ cô về hưu thì tình trạng còn tệ hơn; thậm chí tuần nào ông cũng tìm cớ để không về nhà. Hai chị em Trang đều nhận thấy rõ sự thay đổi của bố: ăn diện hơn, ít quan tâm đến gia đình, đặc biệt là chẳng chuyện trò với mẹ. Trang biết có chuyện gì đó bất ổn trong cuộc sống riêng tư của bố mẹ nhưng nếu cô hỏi lại bị mẹ mắng: "Các con không được tham gia chuyện người lớn".
"Nhiều lúc bắt gặp mẹ ngồi một mình trâm ngâm, cháu thấy tội quá, nhưng chẳng biết làm gì. Thà bố mẹ chia tay chúng cháu còn thanh thản hơn là phải chứng kiến nỗi đau cố nén của mẹ và sự coi thường của cha", Trang tâm sự với chuyên viên tư vấn.
Bà Nguyễn Thị Bông, cựu thẩm phán tòa án nhân dân quận Thủ Đức, TP HCM, chia sẻ: Con cái là sợi dây vô hình ràng buộc đời sống vợ chồng. Trong nhiều trường hợp, dựa vào "áp lực con cái" để giữ gìn hạnh phúc gia đình là một biện pháp hữu hiệu, nhưng cũng cần tỉnh táo để nhận biết được tác dụng của nó đến chừng mực nào. Nếu không, đó chỉ cách giải quyết của những người bí lối ra, đôi khi còn mang tác dụng ngược, hại con hơn là vì con. Người ta chỉ có thể hạnh phúc khi chấp nhận được nhau chứ không ai hạnh phúc trong sự chịu đựng, dù đó là vì con.
(Theo Phụ Nữ)