Bắt đầu hoạt động năm 2003, chiếm một nửa đường Cao Thắng nối dài làm chợ, từ gần 100 sạp hàng, đến nay chợ đêm Kỳ Hòa đã có hơn 250 quầy kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động. Chính vì vậy quyết định ngưng của lãnh đạo quận khiến tiểu thương hoang mang, phản đối kịch liệt vì bị mất đi kế sinh nhai.
Nhiều đơn từ đã được tiểu thương gửi lên quận, cử đại diện lên ủy ban trình bày, xin tiếp tục hoạt động chợ. Lý do được các tiểu thương đưa ra là khu vực chợ đêm không gây ùn tắc giao thông và được họp ở đoạn đường cụt. Chính quyền phường cũng ủng hộ các tiểu thương.
Cuối cùng, UBND quận 10 đành chấp nhận cho chợ đêm tiếp tục được duy trì với điều kiện phải thay đổi giờ hoạt động từ 18h sang 19h. Trong một động thái mới nhất nhằm cứu vãn tình hình trật tự lòng đường, mới đây UBND TP HCM đã chỉ đạo quận 10 đề xuất phương án cụ thể di dời chợ đến khu vực khác. Phương án này buộc trình cho UBND thành phố trước ngày 15/11.
![]() |
Vỉa hè là nơi mưu sinh của nhiều người buôn gánh bán bưng. Ảnh: Kiên Cường. |
Ghi nhận của VnExpress tại khu vực chợ đêm hơn một tuần qua luôn xảy ra ùn tắc giao thông. Trước đây chợ chỉ họp từ 18h các tối 3, 5, 7 và chủ nhật, thì nay hoạt động suốt 7 ngày trong tuần. Ngay đầu con đường chợ chăng ngang băng rôn to thông báo chợ bán hàng đêm. Tình trạng nhốn nháo trong lưu thông thường xuyên xảy ra, vì các bãi giữ xe lề đường, người bán rong, kẻ đi bộ và các phương tiện đan chéo nhau ở một nửa đường Cao Thắng nối dài còn lại khoảng 4 m.
Chợ lề đường được Ban An toàn giao thông thành phố quy cho trách nhiệm là một trong những nguyên nhân lấn chiếm lòng đường, gây ùn tắc giao thông. Do đó UBND thành phố đã yêu cầu các quận huyện phải có kế hoạch sắp xếp, tái bố trí chợ lề đường. Tuy nhiên lãnh đạo thành phố cũng thừa nhận rằng, quá trình sắp xếp lại chợ sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì trên thực tế, đã từ lâu lòng lề đường là nơi mưu sinh của một bộ phận không nhỏ người dân.
Mới đây, Sở Thương mại cũng kiến nghị lùi thời gian đến tháng 3/2008 hoàn tất di dời 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất thành phố là Trần Chánh Chiếu, An Lạc, Phạm Văn Hai và một số chợ khác ra ngoại thành. Thời điểm dời này được Sở giải thích là nhằm giúp các tiểu thương an tâm trong kinh doanh buôn bán mùa Tết nguyên đán.
Những người buôn gánh bán bưng cũng đứng ngồi không yên với yêu cầu bàn giao lại lề đường cho chính quyền. Với 5 đứa con, chồng mất, bà Hồng "tàu hủ" lê la buôn bán ở các vỉa hè Sài Gòn đã hơn 12 năm nay để mưu sinh cho cả nhà. Bà đang trăn trở cách làm sao để nuôi sống gia đình nếu trả lại nơi "kiếm miếng cơm manh áo" cho người đi bộ.
"Tôi sẵn sàng không buôn bán ở vỉa hè nữa nếu phường sắp xếp, giúp tôi có chỗ kinh doanh ổn định", gần 50 tuổi, bà Hồng được xem là người có thâm niên lâu nhất trong những người đang buôn bán trên lề đường Nguyễn Chí Thanh, nói.
Bà cho rằng, không một ai hiểu như bà về cái cực khổ của việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Khi có công an, nhân viên trật tự là phải chạy trối chết mới mong thoát được. Những lúc ấy bể chén, đổ tàu hủ là chuyện bình thường. Nhiều khi bà phải khóc vì tủi thân, chỉ mong có một chỗ ngồi đàng hoàng để buôn bán nuôi con.
Tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh gần một tháng nay cũng không khá hơn người buôn bán nhỏ. Chủ tiệm Inox Sơn trên đường Lê Hồng Phong quận 10 mới bị đội trật tự tịch thu hàng lấn chiếm lề đường, giải thích, dù biết chỉ thị trả lại mặt bằng là cần thiết và phải chấp hành, nhưng hiện nay cửa hàng bị thất thu rất nặng. Buôn bán chậm vì khách không có chỗ gửi xe. "Chỗ gửi gần đây nhất cũng cách hơn 200m, không ai gửi xe ở đó rồi mới đi lại đây", ông nói và đề nghị phường phải có hướng giải quyết chỗ gửi giữ xe chung để hỗ trợ người kinh doanh.
Trao đổi với VnExpress, ông Thiều Hữu Tài, Chủ tịch UBND phường 2, quận 5, cho biết, biết những cái khó của người buôn bán nhỏ nên hiện quận có chỉ đạo và phường cũng không làm mạnh tay với họ. Chỉ vận động, nhắc nhở, sắp xếp sao cho gọn gàng là được. Đồng thời phường tăng cường vận động người buôn bán vỉa hè thu xếp vào chợ, song như ông chủ tịch phường nói, "thật khó vì dân quen kinh doanh tự do ở lề đường mà không chịu vào chợ".
Chủ tịch UBND quận 10 Huỳnh Khắc Cẩn cũng khẳng định, với những người nghèo buôn bán nhỏ trên lề đường thì phải tìm cách thu xếp thích hợp chứ không thể áp dụng biện pháp quyết liệt. Trước những phản ứng của tiểu thương chợ đêm Kỳ Hòa và nhiều người buôn bán nhỏ, quận đang kết hợp với tổ dân phố, ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo tìm cách sắp xếp hỗ trợ hợp lý để người dân không buôn bán tràn lan ra đường.
Kiên Cường