Chính phủ vừa có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép trình Quốc hội ban hành nghị quyết để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do thực hiện Luật Quy hoạch. Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội gia hạn hiệu lực của các quy định pháp luật có liên quan đến quy hoạch tại 73 luật, pháp lệnh được ban hành trước khi Luật Quy hoạch được thông qua cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được phê duyệt.
Đề nghị này xuất phát từ thực tế Luật Quy hoạch và Nghị định 37 hướng dẫn chi tiết luật này vừa được ban hành, có hiệu lực từ ngày 7/5 cũng chưa quy định điều chỉnh quy hoạch trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tại văn bản gửi cơ quan thường trực Quốc hội, Chính phủ nêu nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là với các dự án đã lập theo quy hoạch cũ nay không thể bổ sung. Cụ thể, sau khi có Luật Quy hoạch và trước khi Nghị định 37 được ban hành, một số quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và tỉnh đã được lập nhưng không đúng theo hướng dẫn về trình tự, lấy ý kiến quy hoạch và thẩm định quy hoạch nêu tại Nghị định 37 vừa được ban hành.
"Nếu phải tổ chức lập lại các quy hoạch nói trên theo quy định của Nghị định 37 sẽ lãng phí nguồn lực và kéo dài thời gian lập quy hoạch", văn bản của Chính phủ nêu.

Công nhân đang lắp đặt tấm pin tại một dự án điện mặt trời. Ảnh: A.Minh
Khó khăn nữa cũng được Chính phủ đề cập là luật mới quy định quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị... Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng hệ thống quy hoạch quốc gia thuộc Luật Quy hoạch mới có sự khác biệt với hệ thống quy hoạch đã được lập cho thời kỳ 2011-2020. Một số quy hoạch chưa được lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia.
"Hiện chưa có định hướng phân vùng và liên kết vùng để lập quy hoạch vùng và nếu lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sau khi quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt sẽ không đảm bảo được yêu cầu tiến độ lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030", văn bản nêu.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cho biết, cơ quan này nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các Bộ, ngành phản ánh khó khăn trong việc thực hiện Luật Quy hoạch. Theo thống kê của cơ quan này, hiện có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Cùng đó, khoảng 25 quy hoạch các ngành như quy hoạch khoáng sản, điện lực, cấp nước của các vùng kinh tế trọng điểm không thể ban hành do vướng từ Luật Quy hoạch mới.
Các dự án trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản... bị vướng nhiều nhất do không thể bổ sung vào quy hoạch vì thiếu hướng dẫn chuyển tiếp quy hoạch. Tổng cộng có tới 368 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng mắc quy hoạch.
Trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, trong số dự án điện gió và điện mặt trời được phê duyệt để bổ sung quy hoạch mới chỉ khoảng 7.500MW và còn hơn 20.000 MW đang chờ "xếp chỗ". Về lưới điện, cũng có gần 100 dự án đang chờ điều chỉnh quy hoạch, gồm 4 dự án lưới điện 500 kV, 64 dự án lưới điện 220 kV và 23 dự án lưới điện 110 kV.
Quy định Luật Điện lực, để triển khai các dự án điện phải theo quy hoạch. Quy hoạch gần nhất về năng lượng quốc gia (trong đó có quy hoạch điện lực quốc gia, điện lực tỉnh, năng lượng tái tạo) được ban hành ngày 1/1/2018. Nhưng Luật Quy hoạch mới quy định, ngành điện chỉ còn quy hoạch điện quốc gia và phần điện lực được tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các bộ ngành và địa phương hiện chưa rõ các dự án có cần bổ sung vào quy hoạch hay không. Ngoài ra, nếu phải bổ sung thì thẩm quyền phê duyệt là ai.
Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Thủ tướng mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng bày tỏ băn khoăn khi một nhà máy điện khởi công muốn đầu tư cũng không được, hay một dự án giao thông muốn triển khai cũng phải dừng lại vì không có trong quy hoạch và không bổ sung được. "Nếu không sớm xử lý thì tất cả đình trệ hết", ông nói.
Do đó, nếu không có cơ chế trong giai đoạn chuyển tiếp này thì các dự án đang xin bổ sung vào quy hoạch phải chờ đợi ít nhất 1 đến 2 năm, tức là có thể tới năm 2021 mới được phê duyệt.
Anh Minh