Ông cho rằng, công tác dự báo kém chứng tỏ còn có sự quan liêu, chưa gần dân, chưa sâu sát tình hình.
Vị phó giám đốc công an TP HCM dẫn chứng, ngay từ kỳ họp cuối năm 2007, đại biểu đã phản ánh ý kiến cử tri rằng giá cả leo thang, đình công gia tăng, nhưng Chính phủ không tiếp thu, vẫn khẳng định kiểm soát được. "Cử tri có lần đã mắng chúng tôi là nghị gật. Bản thân thấy rất có lỗi khi sự phản ánh của mình không được tiếp thu, sửa đổi", ông Bình nói.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Bé cho rằng từ đầu năm đến nay, khi giá cả tiêu dùng tăng chóng mặt thì niềm tin của người dân vào Chính phủ đã suy giảm. "Chính phủ cần quy trách nhiệm cụ thê cho từng thành viên. Nói dự báo không tốt, vậy phải chỉ ra ai. Làm không được thì nghỉ. Phải chọn cán bộ tốt để làm việc", ông Bé bức xúc.
Đại biểu Bé cho rằng không thể cứ hô hào sống và làm việc theo pháp luật, trong khi Chính phủ không xử lý những cá nhân đã không làm tròn nhiệm vụ.
Đại biểu Trương Thị Ánh phản ánh đi tiếp xúc cử tri, bà con rất lo lắng trước vấn đề lạm phát, giá cả leo thang. "Chính phủ nói đã kiềm chế giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, than..., nhưng cần làm rõ là kiềm chế đến khi nào. Giảm tốc độ tăng giá tiêu dùng đến mức nào? Nếu không làm rõ, cử tri sẽ rất bức xúc", bà Ánh nói.
Bà Trương Thị Ánh: "Cần nói rõ kiềm chế tăng giá các mặt hàng thiết yếu đến bao giờ". Ảnh: H.K. |
Ngoài vấn đề nêu trên, đại biểu cũng rất lo ngại trước việc cấp phép thành lập ồ ạt các ngân hàng, công ty chứng khoán. "Việt Nam có tới 80 công ty, vượt quá quy mô thị trường chứng khoán. Tại Trung Quốc chỉ có 107 công ty, Malaysia 37, Thái Lan 41 và Hàn Quốc trên 50. Nếu không quản lý chặt sẽ dẫn đến đổ vỡ, sát nhập, ảnh hưởng lớn đến sự an toàn và lành mạnh của thị trường", đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng bổ sung: "Không thể nói thời gian qua Chính phủ không biết nước ta có quá nhiều ngân hàng, quá nhiều công ty chứng khoán. Vậy có hay không tình trạng chạy giấy phép thành lập? Điều này rõ ràng có vấn đề của người làm lãnh đạo".
Ngày mai, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dầu khí. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tổ về các dự án luật trên.
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra 5 yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành. - Thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm, nhất là trong năm 2007, làm tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng tăng cao gây áp lực trực tiếp đến lạm phát. - Tỷ lệ bội chi ngân sách ở mức 5% được giữ liên tục trong nhiều năm trong khi quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, nhưng chưa đặt ra kế hoạch phấn đấu giảm dần bội chi; do đó không tạo được áp lực đối với việc kiểm soát và tiết kiệm chi tiêu ngân sách. - Vai trò của Nhà nước trong quản lý thị trường (trong đó có chứng khoán, bất động sản) và quản lý giá cả, quản lý xuất nhập khẩu còn nhiều bất cập, yếu kém; chậm đề ra các chính sách thích hợp, có hiệu quả để quản lý và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các hoạt động này. - Công tác nghiên cứu dự báo và thông tin thị trường chưa được coi trọng đúng mức. Năng lực tham mưu tổng hợp về kinh tế vĩ mô chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý điều hành. - Công tác thông tin tuyên truyền, giải thích tình hình chưa kịp thời, chưa đủ rõ và thiếu nhất quán, nhất là trước những diễn biến mới và khi ban hành các chính sách, giải pháp có tính nhạy cảm, gây tâm tư lo lắng trong xã hội. |
Hồng Khánh