Khoảng 8h sáng nay tại Singapore, giá dầu giao tháng 9 chốt 115,99 USD mỗi thùng. Trước đó ít phút tại New York, các hợp đồng cùng kỳ hạn còn chốt giá cao hơn, 116,5 USD, tăng 1,1% so với cuối tuần trước.
Cùng thời điểm này, dầu Brent tại London, tăng 0,8% lên 114,25 USD mỗi thùng.
Binh lính Gruzia di chuyển ở thị trấn Tskhinvali, cách thủ đô Tbilisi 100 km, hôm 10/8. Ảnh: Reuters. |
Cuộc chiến tại Gruzia bước sang ngày thứ năm và có dấu hiệu tiếp tục leo thang. Khu vực miền Nam thủ đô Tbilisi, nơi có đường ống dẫn dầu Baku-Tblisi-Ceyhan do hãng BP điều hành, đã bị tấn công. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy hệ thống này bị phá hủy, song giới đầu cơ nhiên liệu vẫn không khỏi nghi ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
"Quả là tồi tệ nếu nguồn cung ứng dầu lửa cho châu Âu bị gián đoạn thực sự. Chịu ảnh hưởng đầu tiên là giá dầu Brent tại London, sau đó sẽ lan ra thị trường toàn cầu và giá sẽ bị đẩy lên cao", Gerard Burg, chuyên gia về năng lực và khai khoáng của Ngân hàng quốc gia Australia ở Melbourne bình luận.
Từ hôm 5/8, ba ngày trước khi giao tranh tại Nam Ossetia bùng phát, đường ống dẫn dầu Baku-Tblisi-Ceyhan của BP đã phải ngừng hoạt động. Bình thường, mỗi ngày có khoảng 800.000 thùng dầu được vận chuyển qua hệ thống này.
Tuy nhiên, theo tuyên bố của BP hôm qua, nguồn cung dầu thô từ các hệ thống khác trong khu vực vẫn ổn định.
Chuyên gia Gerard Burg cho rằng trong trường hợp nguồn cung ở khu vực này gián đoạn, hoặc chiến sự tiếp tục leo thang, giá dầu cũng khó lòng tăng quá cao. Đôla Mỹ đang tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác, tạo áp lực không nhỏ tới các kênh đầu tư hàng hóa như dầu, vàng.
Hôm 8/8, giá dầu giảm 4% xuống còn 115,20 USD mỗi thùng do đồng euro mất giá kỷ lục so với đôla Mỹ. Các kim loại quý như vàng, đồng và cả ngũ cốc cũng giảm giá theo. Giá dầu chạm đỉnh 147,27 USD mỗi thùng vào giữa tháng 7. Tuy nhiên, diễn biến trong hai tuần qua đã xóa đi một nửa "nỗ lực" tăng giá từ đầu năm tới tháng 7.
Song Linh (theo Bloomberg)