Ông Đạt, một đại tá về hưu cho biết, từ thời kỳ chưa tiếp quản những người dân ở đây đã có nghề nhặt than rồi. Đến thời kỳ chiến tranh, ông đi bộ đội, vợ ông chỉ nhờ nhặt than, mót than mà nuôi được bốn người con khôn lớn. Tỉnh cần có giải pháp để giúp người dân tháo gỡ khó khăn, không nên đánh đồng tất cả mà ngăn cấm như vậy. Ông nói: "Ngăn cấm chuyện người ta làm than trái phép, chúng tôi cũng nhất trí. Nhưng than rơi vãi, xí nghiệp đổ ra lãng phí người dân tận dụng nhặt thì không nên ngăn cấm. Đây cũng là nguyện vọng của đa số bà con địa phương".
Khó khăn đang đè nặng lên những người sống dựa vào nghề nhặt than, mót than. Ảnh: Đắc Kiên. |
Dân ở đây thường không có ruộng, ai may mắn thì làm công nhân, nếu không chỉ biết sống dựa vào nghề gánh than thuê, mót than. Cửu vạn nơi khác đến, giờ có thể về quê làm ruộng. Đân địa phương trước nay vẫn sống bằng nghề gánh than thuê và mót, nhặt than, thì không còn nơi nào khác để đi.
Đã hơn 4h chiều, vợ chồng bà Bé vẫn ngồi lặng lẽ trong gian nhà chật hẹp, tối om. Ông chồng nằm trên giường phe phẩy quạt nan. Chiếc quạt điện hỏng nằm chỏng chơ một xó. Bà Bé ngồi gần cửa nhà cũng phe phẩy cái quạt nan bên cạnh bộ đĩa chén cáu bẩn. Họ đang đợi trời tối. Từ khi có "lệnh cấm than", chỉ một số ít người dám lên núi mót than vào ban ngày. Đa số người dân ở đây chờ đến 7-8h tối, khi bảo vệ thay ca mới dám mò lên quét than, nhặt nhạnh những cục than rơi từ các xe chạy qua khu vực Cọc 3 này.
Hai vợ chồng đã gần 60 tuổi nhưng hàng tối vẫn phải mò mẫm đi quét, mót than rơi vãi về đóng than tổ ong hoặc bán lại cho các ông chủ buôn. Bà cho biết, trước đây, mỗi buổi cũng được 50.000-70.000 đồng, vợ chồng góp nhặt để nuôi cậu trai út đang học phổ thông. Bà Bé tâm sự: "Bây giờ chúng nó học hành tốn kém lắm, nhưng đói chúng tôi cũng phải cố cho nó học đến nơi đến chốn, để nó khỏi khổ như mình. Không sau này lớn lên nó lại trách tại bố mẹ trước đây không cho con đi học".
Nỗi lo không có chỗ bán than như đè nặng thêm lên vai những người lao động. Ảnh: Đắc Kiên. |
Những người trẻ tuổi có sức hơn thì đi gánh than thuê hoặc đi mót than từ những đống xít thải xí nghiệp đổ ra. Chị Mùi, một người mót than, lén lút nhìn đám khách lạ rồi cúi gằm mặt đi. Gặng hỏi mãi chị mới nói: "Chúng tôi chỉ đi nhặt than rơi, than vãi, lẫn trong xít thải đâu có trộm cắp gì của ai đâu mà lại cấm. Nhặt thế này còn làm sạch môi trường đáng nhẽ phải khuyến khích ấy chứ".
Đang nói chuyện thì có tiếng súng nổ, chị giật mình: "Bảo vệ bắn chỉ thiên đuổi người nhặt than đấy". Nói rồi chị thoăn thoắt bước xuống sườn dốc, hai bao tải nặng níu chặt chiếc đòn gánh cong oằn. Chiếc áo công nhân màu xanh cũ kỹ chị mặc, ướt đẫm mồ hôi. Mỗi gánh than như thế phải nặng 50-60 kg. Hai vợ chồng chị đều không có việc làm, thu nhập cả nhà trông chờ hết vào việc mót than.
Từ khi có chiến dịch một tháng trước, chẳng còn ông chủ nào dám mua. Vợ chồng chị hằng ngày vẫn lên núi mót than. "Nhặt về tích ở đấy, bán rẻ được ít nào hay ít nấy. Rồi đợi xem mấy bữa nữa tỉnh có chính sách gì mới để giúp bà con không, chứ cứ như mấy bữa nay thì thật cực quá", chị nói.
Cửu vạn làm than mất việc, về quê, mấy gian nhà cho thuê của mẹ con chị Nụ mất khách. Người phụ nữ mù lòa cùng bà mẹ đã gần 85 tuổi mất luôn nguồn thu nhập chính. Chị cho biết, trước đây hai mẹ con có đủ ăn là nhờ cho thuê ba gian nhà mỗi tháng được 600.000 đồng, cộng với tiền trợ cấp xã hội.
Mẹ con chị như hàng nghìn người dân ở khu Cọc 3, trước giờ vẫn sống dựa vào nguồn thu từ than, nay đang chưa biết phải tính sao. Hơn 10h sáng, chợ Độc Lập bàn ghế bày la liệt. Những phản thịt trống trơn, bóng loáng. Mấy chị bán hàng ngồi đếm từng người khách của nhau, cười: "Làm gì có ai mua, dọn hàng hết rồi. 9h chợ họp. 10h chợ tan. Ba mươi người bán, hai mươi người mua thì bán kiểu gì?" Theo những người bán hàng ở đây, lúc trước cái chợ phục vụ cửu vạn cũng từng rất đông vui.
Cuối năm ngoái, tỉnh Quảng Ninh cũng đã cấm khai thác than tận thu. Tuy nhiên khi đó các ông chủ buôn vẫn còn mua than, nên vẫn cần người mót than và cửu vạn. Nhưng lần ra quân này thì gắt gao thật sự. Lý do tỉnh đưa ra là nhiều doanh nghiệp, chủ buôn than tư nhân lợi dụng việc khai thác tận thu để lấy cắp. Người dân không đồng ý, cho là không nên đánh đồng than thổ phỉ, than ăn cắp, khai thác trái phép với than tận thu từ sông suối, kênh rạch.
Nhiều thuyền viên trên các tàu than cũng rơi vào cảnh ngồi không. |
Ông Nguyễn Văn Long, chánh văn phòng tỉnh ủy Quảng Ninh cũng nói, tỉnh không cấm người dân nhặt than rơi, than vãi ở đầu đường, bãi thải, không cấm người dân nạo vét than ở sông, suối, ven biển. Nhưng ông Long cho rằng, lượng than người dân thu gom được chiếm một phần rất nhỏ, chỉ đủ để cung cấp cho các nhu cầu cuộc sống thường ngày hay cho nhu cầu sản xuất ở địa phương, chứ không có việc bán cho các chủ buôn than. Vì vậy ông Chánh văn phòng khẳng định đời sống của người dân không bị ảnh hưởng nhiều của chiến dịch này.
Tuy nhiên Thượng tá Nguyễn Trịnh Đông, Chánh văn phòng Công an tỉnh Quảng Ninh nói với báo chí, qua nắm tình hình cho thấy đúng là công việc của người dân cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Ông Đông còn nói điều này không nằm ngoài dự trù của tỉnh khi tiến hành chiến dịch. Cơ quan công an đã có đề xuất lên tỉnh và Tập đoàn Than về việc giao cho một doanh nghiệp hoặc một công ty của Tập đoàn chuyên thu mua than góp nhặt của người dân.
Ông Đông cho biết thêm, thực tế là có rất nhiều người dân địa phương trước đây, trực tiếp hoặc gián tiếp sống dựa vào than, trong đó có cả những người đã có tiền án, tiền sự. Nếu không giải quyết vấn đề công ăn việc làm, có thế sẽ dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh.
Đắc Kiên