Nhân viên Trung tâm VMS-MobiFone chèo xuồng đi làm. Ảnh: K.P. |
150.000 đồng cho cuốc đi bè, 80.000 đồng cho một cuốc ngựa thồ một đoạn dài chưa đầy 50m... Đắt nhưng mấy ngày qua nhân viên của MobiFone khu vực I, Hà Nội vẫn phải bấm bụng để đi. Mưa lớn, cả khu vực phường Giáp Bát ngập trong biển nước, khiến cho cả tầng I trung tâm VMS - MobiFone I ngừng hoạt động. Toàn bộ máy móc thiết bị được di chuyển đến khu vực cao hơn. Một số đài trạm, máy thu phát thì được di chuyển bằng thuyền sang một số công ty vệ tinh ở khu vực lân cận ít ngập hơn.
Sau hai ngày ngồi bè đi làm, sáng qua, Phó giám đốc trung tâm VMS - MobiFone - Hoàng Tiến Hùng - quyết định mặc quần soọc để băng qua làn nước. Quần áo, đồ dùng cá nhân được gói gọn trong chiếc ba lô cùng với giấy tờ tài liệu để đảm bảo khô ráo khi vào văn phòng. Là đơn vị cung ứng dịch vụ viễn thông, phải đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, chính vì vậy mà dù mưa to, ngập lụt, nhân viên công ty vẫn đi làm khá đầy đủ. Mỗi người chọn một phương tiện đi lại nhưng phổ biến nhất vẫn là thuyền, bè.
Từ hôm 4/11, nước bắt đầu rút, tầng một của tòa nhà hoạt động trở lại bình thường tuy nhiên suốt đoạn đường dài vào tới cổng VMS-MobiFone I vẫn còn ngập nước. Thành thử nhân viên công ty phải tự tìm các phương tiện đi lại để đảm bảo tiến độ công việc - người xắn quần lội bộ, số khác vẫn sử dụng phương tiện thô sơ do những người dân tự chế như bè, xe thồ ngựa...
Sống trong cảnh lũ lụt mới thấm thía nổi khổ mới thấm thía câu "sống chung với lũ". Những ngày lội nước hoặc sử dụng bè tự chế để đi làm được các nhân viên Công ty VinaTAD coi là thời khắc không thể nào quên. "Vừa lo lắng vừa buồn cười là tâm trạng chung của chúng tôi những trong những ngày nước lớn. Có người còn đùa rằng nếu không có rác rưởi, biển báo, xe cứu hộ thì nhìn cảnh anh em nhân viên chèo thuyền đi làm thấy lãng mạn và đẹp chẳng kém Thung lũng Tình yêu ở Đà Lạt", chị Vân - nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng VinaTAD nói.
Nhân viên Công ty VinaTAD vận chuyển lương thực bằng thuyền tự tạo vào công ty lúc trời chập choạng tối. Ảnh: Khánh Phương.
3 ngày mưa lũ, khu vực Đào Duy Anh - Kim Liên, Hà Nội cũng chứng kiến một cảnh tượng chưa từng có, dân công sở người lội nước, người tự chèo thuyền hoặc sử dụng phương tiện xe bò kéo để vào văn phòng.
Giá mỗi lượt đi là 20.000 đồng, vận chuyển xe máy là 50.000 đồng. "Chỉ tính riêng tiền thuyền bè đi lại trong 3 ngày lũ đã khiến chi phí của chúng tôi bị đội thêm vài trăm nghìn", chị Hải - nhân viên phục vụ tại Khách sạn Kim Liên, Hà Nội nói.Chị Hải cho hay trong những ngày mưa lũ, các phòng khách sạn đều chặt kín. Khách du lịch, người ở các nơi đến Hà Nội làm việc bị kẹt lại, cộng với việc người dân Thủ đô đến tránh lũ khi điện nước ở nhà bị cắt khiến cho khách sạn bị quá tải. Thành thử các nhân viên vẫn phải đi làm, lo lương thực, đồ uống, dọn dẹp vệ sinh... để đảm bảo sinh hoạt cho khách.
Anh Minh - một cán bộ của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN kể lại, cả tòa nhà bị nước vây xung quanh, nước ngập tới nửa người. Chị em được ưu tiên nghỉ, số khác được làm việc ở nhà, một vài bộ phận quan trọng như phòng kỹ thuật, bảo vệ... vẫn phải lội nước đi làm. Để công việc không bị gián đoạn, có người bất chấp mưa gió, chèo thuyền vào cơ quan chỉ để nhận bản fax từ đối tác nước ngoài rồi đi về. "Những ngày nước ngập, anh em chúng tôi đi làm toàn mặc độc chiếc quần soọc, áo ba lỗ. Gói đồ dùng cá nhân được gói túi bóng cẩn thận rồi treo qua cổ", anh Minh kể.
6 ngày lụt lội, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nằm trong khu vực vùng trũng của Hà Nội bị ảnh hưởng. Chưa đơn vị nào ngồi thống kê con số thiệt hại sau đợt mưa lũ, thành thử khi trao đổi với VnExpress.net nhiều chủ doanh nghiệp chỉ gói gọn một câu: Chết dở, chúng tôi đang lo khắc phục hậu quả.
Hai ngày sau nước rút, sếp Quang - Giám đốc một công ty chuyên về thiết kế bảng điện tử ở Hà Nội phải chạy đôn, chạy đáo, thúc đối tác ký lại hợp đồng. Chỉ trong một tuần mưa lũ, hàng loạt hồ sơ thầu bị xếp lại vì đối tác phải lo chống ngập, điện mất, xưởng sản xuất ngừng hoạt động, nhiều máy móc thiết bị cũng không thể hoạt động vì bị ngâm trong nước.
Trong 3 ngày 1, 2 và 3/11, có ít nhất 10 hồ sơ thầu của công ty anh Quang bị hoãn vì các phương tiện giao thông tạm ngừng hoạt động, hàng không làm kịp vì máy móc hỏng. Công ty anh nằm giữa vùng nước ngập của đoạn dốc đường Trường Chinh nên cả tầng một ngập sâu tới tận nửa người. Nước tràn vào nhà kho khiến cho hàng bị ướt, máy móc bị hỏng phải đưa đi bảo dưỡng. 2 hợp đồng bị phá vỡ khiến cho công ty bị phạt vài chục triệu đồng.
Hôm 2/11, công ty anh Quang cần chuyển gấp một bộ hồ sơ thầu vào Sài Gòn thế nhưng gọi khắp nơi mà không có công ty chuyển phát nhanh nào chịu nhận. Nhân viên công ty phải đánh vật với cả đoạn đường dài ngập nước để lên sân bay Nội Bài. "Thế nhưng, mưa lớn chuyến bay bị hoãn lại nửa ngày, hồ sơ không kịp gửi, thế là đi toi cái hợp đồng", anh Quang nói.
Chính vì vậy mà khi đối tác nghỉ làm việc, công trình tạm ngừng thi công nhưng nhân viên vẫn phải mặc quần đùi đến công ty để làm hồ sơ thầu. "Không chuẩn bị kỹ lưỡng sau khi nước rút, các hoạt động trở lại bình thường sẽ không kịp trở tay", anh Quang nói.
Dù được ưu ái ngồi nhà làm việc, song khi có việc gấp như ký hồ sơ thầu... sếp Quang vẫn phải đi thuyền vào công ty để giải quyết.
"Cưỡi thuyền đi ký hợp đồng, quả là nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng nổi. Vừa ngồi vừa thấp thỏm lo thuyền lật, tài liệu và đồ dùng cá nhân ướt. Đúng là sức người chẳng chịu với giời", anh Quang chia sẻ với VnExpress.net.
Phan Linh Anh