Thuyết phục vợ mãi chẳng được, anh chồng nhờ luật sư nói hộ. Được một luật sư "hiến kế", mấy ngày gần đây anh chồng nằng nặc đề nghị hai vợ chồng lập thỏa thuận sử dụng tài sản để có điều kiện thực hiện mơ ước làm ăn lớn của mình. Cực chẳng đã chị Minh, vợ anh phải đồng ý.
Biên bản thỏa thuận của anh chị ghi rõ căn nhà đang ở và mảnh đất trống bên cạnh là tài sản chung, không ai được đụng đến. Cửa hàng mỹ phẩm thuộc về chị vợ, còn toàn bộ phần vốn ở cơ sở sản xuất gỗ thuộc về anh chồng. Từ ngày ký thỏa thuận về sau, phần tài sản riêng ai làm người đấy hưởng, nếu rủi ro tự chịu.
Từ ngày ký biên bản, cuộc sống gia đình của Hùng và Minh thật nặng nề. Anh bỏ bê công việc ở xưởng gỗ, rút phần lớn vốn ném vào chứng khoán. Chị bận bịu với công việc kinh doanh mà chẳng dám hé răng nhờ chồng nửa lời. Chỉ tội hai đứa con, chúng buồn so khi thấy bố mẹ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. "Không nghĩ đến lũ nhỏ, chắc vợ chồng tôi chia tay rồi, khi giá cổ phiếu lên anh vui như hội còn giá xuống anh cáu bẳn không chịu nổi", chị Minh thở dài kể.
Chung nỗi niềm liên quan đến chứng khoán như vợ chồng chị Minh, cả tháng nay Thủy, một cô gái trẻ sắp lấy chồng, lúc nào cũng rầu rĩ. Hỏi chuyện mới hay anh chồng tương lai của cô hiện là phó giám đốc một doanh nghiệp lớn, sở hữu hàng triệu cổ phần. Từ hồi chứng khoán sốt giá, bà mẹ chồng tối ngày to nhỏ khuyên con trai trước khi cưới vợ lập hợp đồng hôn nhân, thỏa thuận toàn bộ cổ phần của anh, nàng dâu không được đụng đến. Bên này, bố mẹ Thủy cũng chẳng vừa, tuyên bố nếu có hợp đồng đó thì dừng ngay, đừng hòng cưới xin con gái ông bà.
"Chứng khoán đang làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình", luật sư Phạm Liêm Chính, Đoàn luật sư Hà Nội nhận xét. Theo ông, trường hợp gia đình chị Minh, cả Luật Hôn nhân Gia đình và Luật Dân sự đều cho phép lập biên bản thỏa thuận sử dụng tài sản. Trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác, thì có thể thỏa thuận chia tài sản chung, việc chia tài sản phải được lập thành văn bản, nếu không thỏa thuận được hai bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Văn bản thỏa thuận chia tài sản phải ghi rõ nội dung, lý do chia tài sản, phần tài sản chia trong đó cần mô tả rõ những tài sản được chia hoặc giá trị phần tài sản được chia, phần còn lại không chia. Văn bản phải được công chứng pháp luật.
Đề cập đến trường hợp lập hợp đồng hôn nhân, ông Chính cho biết ở nước ngoài chuyện này rất bình thường nhưng ở VN, đạo đức không cho phép người ta thực hiện như vậy. Theo Luật Hôn nhân Gia đình, khi hai người chia tay, tài sản có trong thời gian hôn nhân về nguyên tắc được chia đôi, nhưng tùy trường hợp cụ thể bên nào đóng góp nhiều hơn thì có thể được hưởng tỷ lệ cao hơn.
Trao đổi với VnExpress, bà Phương Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho biết, Trung tâm lưu ký chứng khoán đã thực hiện nhiều trường hợp chuyển nhượng cổ phiếu theo hình thức cho tặng, báo tử, thừa kế, ly hôn. Với những trường hợp người trong cuộc sở hữu cổ phần lớn và nắm giữ trọng trách tại các công ty, ngoài văn bản thỏa thuận phân chia tài sản giữa hai người đã được tòa án đồng ý, quyết định của tòa án, trung tâm lưu ký còn yêu cầu nghị quyết của Hội đồng quản trị về vấn đề trên.
V.P.