Người gửi: Tran Ngoc Diep
Con tôi hiện học lớp 8 và năm học vừa qua tôi đã phải chuyển cháu ra khỏi trường công lập vì lo sợ bệnh thành tích và do cháu đã biết cách học để đối phó chứ không phải để lấy kiến thức.
Tôi luôn nói đùa với bạn đồng nghiệp và gia đình khi cháu còn đang học tiểu học rằng nếu không được học sinh giỏi thì có nghĩa là cháu bị thiểu năng trí tuệ. Vì cứ đến trước kỳ thi một tháng, nhà trường lại phát cho học sinh bộ đề cương ôn tập của tất cả các môn (mỗi môn 2 trang), trừ Toán và Văn có đề cương khác.
Các cháu phải tự học thuộc lòng đề cương này rồi làm bài kiểm tra lấy điểm một tiết (tập duyệt lần 1). Những cháu chưa đạt điểm cao vì chưa học thuộc lòng hết đúng dấu chấm phẩy sẽ được cô giáo lưu ý viết vào sổ liên lạc mang về cho bố mẹ để theo sát các cháu học thuộc tốt hơn.
Rồi sau đó đến kỳ thi học kỳ, sẽ có khoảng 3 hoặc 4 câu hỏi trong số các câu các cháu được học trong đề cương. Vậy nếu con bạn không được điểm giỏi 9, 10 trong các bài kiểm tra đã được chuẩn bị từ trước một tháng thì chắc chắn cháu có trí tuệ kém hoặc quá nghịch ngợm mải chơi không bao giờ học.
Lên đến THCS, tình trạng này có thay đổi, vì các cháu phải tự làm đề cương rồi mang đến lớp cho thầy cô chấm lấy điểm 15 phút. Một số cháu nhóm nhau lại phân công mỗi người làm đề cương một, hai môn rồi chia sẻ cho nhau để đỡ phải học nhiều.
Cháu nào đi học thêm của các thầy cô thì sẽ làm được hết những câu khó trong bài thi vì đã được làm quen với dạng này rồi, còn cháu nào không đi học thêm thì không bao giờ được điểm tuyệt đối vì có gặp dạng bài này trước đâu mà biết cách giải cho đúng ý thầy cô.
Là một người theo dõi quá trình học tập của con rất sát sao, tôi chỉ muốn gửi cho các anh chị, những người làm cha mẹ một thông điệp là đừng nên quá tin vào điểm số của con mình, vì cháu nào cũng sẽ được điểm cao nhất là khi học tiểu học. Hãy lưu ý xem con mình biết được những gì, áp dụng được gì vào cuộc sống.