Bàn tay của nạn nhân sau 10 ngày điều trị. Ảnh: nhidong.org. |
Gia đình đưa cháu bé đến một thầy chuyên trị rắn cắn để giải độc bằng mọi cách nhưng hai ngày sau khi bị rắn cắn, máu từ vết thương trên ngón tay vẫn chảy liên tục.
Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, trong tình trạng rối loạn đông máu và vết thương bắt đầu hoại tử.
Gia đình nạn nhân cho biết, nghe bé khóc thét, mọi người chạy đến và kịp nhận dạng "hung thủ" là loại chàm quạp nhưng không kịp đập chết.
Từ thông tin này, bệnh viện đã dùng loại 3 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc trị để điều trị nâng đỡ. May mắn, sau gần 10 ngày cấp cứu, bàn tay của bé đã giảm sưng, không còn chảy máu.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, với tổn thương tương tự, bệnh nhân thường tử vong nếu cơ sở điều trị không có loại huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.
Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 30 ca trẻ bị rắn cắn, trong đó không ít trường hợp thủ phạm "gây án" là chàm quạp. Đây là loại rắn thường gặp ở miền Nam, có thân hình tương đối nhỏ, chỉ dài độ 80 cm, đầu hình 3 cạnh, mõm nhọn hơi vểnh lên trên, vẩy trên lưng mầu đỏ nhạt, xám nhạt với những đốm 3 cạnh mầu nâu sẫm, viền trắng, xếp thành từng đôi.
Thống kê của bệnh viện cho thấy, số ca bị rắn cắn thường tăng vào mùa hè do trẻ đi chơi vào vườn gần bụi cây, đám cỏ, đống lá khô hoặc leo cây hái trái. Một số trường hợp, rắn độc bò luôn vào nhà trú ẩn và tấn công người khi bị giẫm hoặc chạm phải.
Theo các bác sĩ, nếu bị rắn cắn, cách tốt nhất là đưa nạn nhân đến bệnh viện để được chẩn đoán và chữa trị đúng cách. Một lưu ý khác, người nhà hoặc chính nạn nhân nên nhận diện loại rắn đã cắn để bệnh viện có thể chọn đúng loại huyết thanh điều trị.
Phương Nghi
* Tên nạn nhân đã được thay đổi.