Hôm 4/10, lãnh đạo bốn nước đã kết thúc phiên họp thượng đỉnh ở Paris bàn về khủng hoảng tài chính thế giới.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chủ trì cuộc họp này đã bày tỏ hy vọng sẽ có được giải pháp chung cho châu Âu. Các lãnh đạo cam kết sẽ cùng làm việc để giúp đỡ hệ thống tài chính đang gặp khó khăn. Mỗi chính phủ sẽ tự vận dụng khả năng, phương pháp riêng nhưng có phối hợp với các nước khác. Như vậy sẽ không có kế hoạch chung nào được đưa ra giống như dự luật 700 tỷ USD vừa được thông qua tại Mỹ.
Các vị lãnh đạo đã đồng ý nới lỏng luật lệ của khu vực châu Âu (EU) liên quan tới số tiền mà mỗi quốc gia thành viên có thể vay.
Ông Sarkozy gợi ý thêm, trong điều luật ngân sách EU, các nước thuộc khu vực đồng euro phải duy trì mức thâm hụt ngân sách dưới 3% và công nợ dưới 60% tổng sản phẩm quốc nội nhằm đối phó với “các tình huống đặc biệt” hiện thời.
Bộ trưởng Tài chính Đức ông Peer Steinbrueck (bên phải) và Thủ tướng Angena Merkel phát biểu trong cuộc họp báo tại Berlin. Ảnh: AFP. |
Bộ Tài chính Đức vừa đồng ý kế hoạch 50 tỷ euro, tương đương 70 tỷ USD nhằm ứng cứu Hypo Real Estate, một trong những ngân hàng lớn nhất nước này trong lĩnh vực cho vay mua nhà trả góp. Trước đó, cuộc đàm phán nhằm cứu ngân hàng này với thỏa thuận trị giá 35 tỷ euro đã thất bại sau khi một tập đoàn tham gia đàm phán rút lui.
Chính phủ Đức thông báo đảm bảo không giới hạn đối với tất cả các khoản tiết kiệm cá nhân, một động thái được Đan Mạch tiếp bước. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel có động thái trấn an người dân rằng các khoản tiết kiệm của họ sẽ được đảm bảo an toàn. Bà nói: “Chúng tôi không thể để cho một định chế tài chính gây sức ép lên toàn bộ hệ thống. Vì thế, chúng tôi đang nỗ lực hết sức nhằm cứu Hypo Real Estate”.
Bộ trưởng tài chính Đức, ông Peer Steinbrueck nói rằng lãnh đạo các định chế tài chính cần phải chịu trách nhiệm cho cách “cư xử vô trách nhiệm”. Ông cáo buộc ban quản trị Hypo Real Estate đã không nói đúng với chính phủ về mức độ thực tế của những khó khăn mà ngân hàng này gặp phải.
Cuối ngày hôm qua, ngân hàng Pháp BNP Paribas khẳng định đã đồng ý mua 75% cổ phần của Bỉ và Luxembourg trong tập đoàn tài chính khổng lồ Fortis, biến nó trở thành một trong những ngân hàng tiết kiệm lớn nhất châu Âu. Đổi lại, chính phủ Bỉ và Luxembourg sẽ có cổ phần thiểu số trong BNP Paribas. Chi nhánh Fortis ở Hà Lan cũng đã bị quốc hữu hóa bởi chính phủ nước này.
Nhiều khả năng các quốc gia trong EU trong đó có Anh sẽ hành động giống như việc chính phủ Đức đảm bảo 100% đối với các khoản tiền gửi của khách hàng, nhằm lấy lại niềm tin cho hệ thống này và tránh việc khách hàng rút tiền ồ ạt. Bộ trưởng Tài chính Anh, Alistair Darling, cho hay ông sẵn sàng “có bước đi lớn chưa từng được đưa ra" nhằm hỗ trợ kinh tế Anh.
Chính phủ Anh đồng ý nâng bảo đảm của nhà nước với tiền gửi của mỗi cá nhân từ 35.000 bảng lên 50.000 bảng (tương đương 88.000 USD). Austria cũng đang cân nhắc về bảo đảm tiền gửi tại nhà băng trong tuần này.
Trong khi đó, Iceland đang cân nhắc bơm 14 tỷ đôla vào hệ thống ngân hàng, sau khi cứu ngân hàng lớn thứ ba của nước này, Glitnir, hồi tuần trước. Các ngân hàng của Iceland đã đồng ý các biện pháp ổn định hệ thống tài chính, sau khi đồng nội tệ mất một phần năm giá trị so với đồng đôla trong tuần trước
Đan Mạch cho biết sẽ chi 35 tỷ kronor (tương đương 4,8 tỷ euro để giúp các ngân hàng đang hấp hối và tăng bảo đảm tiền gửi.
Các Bộ trưởng tài chính châu Âu đang đi tới những kế hoạch chi tiết để lấy lại niềm tin trong hệ thống tài chính ngân hàng khu vực.
Thanh Phương (theo AFP)