Cháu nghĩ mẹ biết nhưng bà lại cho rằng đó là hoang đường, tự nói mình bị bệnh như thế thôi chứ thật ra có bị sao đâu. Cháu mắc chứng này sau khi cha mất một thời gian (cháu được 4 tuổi thì cha không còn), mẹ tiến thêm bước nữa. Khi cháu lên lớp 7, tình trạng tệ hơn khi một số người thân của cháu (bạn cùng lớp, em họ, bạn của mẹ) qua đời. Kể từ đó, cháu sống khép mình, ít khi nói chuyện với ai vì sợ bị chỉ trích, sợ chỉ với một câu nói hoặc thậm chí một từ thôi cũng phật lòng người khác, sợ họ nghĩ sai hoặc nói xấu mình. Cháu tự dặn bản thân rằng "họ có nuôi mình được ngày nào đâu, tại sao phải để ý làm gì" nhưng hoàn toàn không có tác dụng.
Cháu mới qua Mỹ sống, một người bạn cũng không có, áp lực học hành khiến cháu rất mệt mỏi, mẹ lại muốn cháu nỗ lực học hơn nữa, nhất định phải được loại A trong mọi môn học. Mọi người đừng cố khuyên cháu nói chuyện với mẹ vì cháu đã làm rồi và mẹ hoàn toàn không hiểu. Dượng (chồng của mẹ) có người con riêng học rất giỏi, vì thế mẹ hay so sánh và bắt buộc cháu phải học được như vậy. Mẹ thường áp đặt ước mơ của mẹ cho cháu như: rước gia đình mình qua đây, làm trong công ty lớn, mua nhà cho mẹ..., rồi hỏi cháu những câu: "Con có thương mẹ không? Con làm bác sĩ hay dược sĩ đi, nghề này có tiền lắm", "Con nhìn con của chú này, chú kia làm dược sĩ, bác sĩ kìa; hồi đó anh ấy học giỏi lắm, toàn đứng nhất lớp thôi. Mẹ muốn con cũng được như vậy, chắc lúc đó mẹ hãnh diện lắm, sẽ đem khoe khắp nơi". Do nói nhiều lần mà mẹ không hiểu được nên cháu không muốn nói thêm. Thời gian nói chuyện với mẹ, cháu muốn rút ngắn hết mức có thể để đỡ phải áp lực. Cháu luôn cố làm vừa lòng mẹ cũng như người khác (bất kỳ ai). Ai hỏi gì cháu cũng sẽ giúp họ, chỉ với ước muốn họ không đối xử tệ với mình, xem cháu là không khí hoặc người qua đường cũng được, không cần gì nhiều.
Mỗi ngày trôi qua, những áp lực khiến cháu chán nản, nghĩ mình bị trầm cảm rồi. Gia đình cháu hồi xưa cũng chẳng tốt đẹp mấy, mẹ và những người thân chia phe chơi với nhau, ở cùng nhà nhưng luôn gây nhau như cơm bữa (nhẹ nhất là không nói chuyện, nặng nhất là đánh nhau). Hồi ở Việt Nam, cháu còn lấy kéo rạch vài vết ở tay nhưng cố mặc đồ kín cho mẹ không thấy. Cháu không muốn sống cuộc sống bị mẹ áp đặt nữa, muốn một lần dập tắt mọi sự kỳ vọng và áp lực mà mẹ đã đặt lên cháu. Bỏ nhà ra đi thì ở đây không phải Việt Nam, gặp toàn người lạ nên không dám, cháu hết cách rồi. Mong được các cô chú giúp đỡ.
Minh
Độc giả gọi vào số09 6658 1270để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.