Ông Nguyễn Xuân Dương. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Căn cứ nào để Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đưa ra ngưỡng melamine tối đa là 2,5 mg/kg thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản?
- Bộ đã thành lập Hội đồng tư vấn gồm các nhà khoa học về dinh dưỡng, hóa sinh... để xác định ngưỡng an toàn đối với sức khỏe con người và vật nuôi. Ngoài ra, căn cứ vào tiêu chuẩn một số nước trên thế giới như Mỹ, Australia, EU... chúng tôi khẳng định hàm lượng melamine nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 ppm (phần triệu) là an toàn.
Một số nước phát triển lấy ngưỡng 2,5 ppm trong thực phẩm, chúng tôi lấy ngưỡng này để áp dụng đối với thức ăn chăn nuôi. Ngưỡng này an toàn đối với con người thì đương nhiên sẽ an toàn đối với sức khỏe vật nuôi. Ngoài ra, ở ngưỡng này các phương pháp phân tích thông thường có thể kiểm soát được.
- Sử dụng ngưỡng của các nước xuất khẩu nông sản, thức ăn chăn nuôi trong khi VN là nước nhập khẩu liệu có hợp lý?
- Thực ra các nước này cũng dùng tiêu chuẩn này trong thực phẩm tiêu dùng nội địa, chứ không phải chỉ quy định cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Nông nghiệp là ngành chăn nuôi, sản xuất nên không thể chờ đợi.
- Cách đây một tháng, Bộ Nông nghiệp ra quân truy tìm melamine rất rầm rộ. Quyết định này phải chăng là sự thỏa hiệp với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi?
- Người ta đưa melamine vào nguyên liệu thức ăn chủ yếu nhằm gian lận thương mại, làm tăng độ đạm ảo. Bản thân chất melamine không có vai trò gì trong quá trình dinh dưỡng cả. Ở ngưỡng 2,5 ppm thì tôi khẳng định melamine không còn làm tăng độ đạm ảo được nữa.
Quy định đưa ra chính là đã cấm nhập, kinh doanh, sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhiễm melamine. Ngoài ra, Bộ cũng không tuyệt đối hóa rằng melamine phải bằng không. Vì nếu vô tình có phần rất nhỏ melamine tồn tại trong môi trường, bao bì... mà chúng ta áp dụng quy định cứng nhắc thì sẽ làm tổn hại một phần lớn tài sản của người dân, gây đình trệ sản xuất.
Các nhà khoa học trên thế giới hiện vẫn chưa thống nhất về cơ chế lây nhiễm melamine từ thức ăn chăn nuôi qua cơ thể động vật hay trứng. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Trong khi chưa có kết quả thực nghiệm hay một nghiên cứu khoa học nào xác đáng thì liệu quyết định của Bộ có thuyết phục?
- Chúng tôi không hề vội vàng. Đây là ngưỡng an toàn. Các nhà khoa học không chỉ dựa vào nghiên cứu cụ thể mà còn có thể dựa vào các kênh thông tin khác. Hội đồng là các chuyên gia dày dặn về lĩnh vực này. Các nước công bố ngưỡng an toàn như Mỹ, EU... đều là các nước phát triển. Thậm chí Thái Lan mới đây cũng đã công nhận, vậy tại sao chúng ta chờ đợi.
Sắp tới chúng tôi sẽ có những thực nghiệm về các mức khác nhau để xem khả năng tồn dư melamine trong thực phẩm là như thế nào chứ không hẳn là mức 2,5 ppm. Thời gian thực nghiệm sẽ mất vài ba tháng để theo dõi hết vòng quay của vật nuôi.
- Nếu chỉ mất vài tháng tại sao không chờ có kết quả rồi mới công bố ngưỡng melamine cho phép?
- Quyết định đưa ra lúc này là để không làm trệ sản xuất nông nghiệp cũng như tránh hoài nghi cho người tiêu dùng. Hơn 7,5 triệu hộ nông dân ở VN không thể dừng sản xuất dù chỉ một ngày. Bộ Y tế cũng đồng tình với quan điểm của chúng tôi rồi.
Chúng tôi sẽ có những nghiên cứu trên vật nuôi sử dụng thức ăn có hàm lượng melamine với các mức khác nhau để xem đâu là mức tối ưu cho sức khỏe vật nuôi. Có thể hơn 2,5 ppm một chút mà vẫn tốt thì sao
- Giả định xảy ra quá trình lây nhiễm thì ai là gười chịu trách nhiệm?
- Giả định này là không xảy ra, vì với ngưỡng 2,5 ppm trong thức ăn chăn nuôi, chắc chắn melamine không tồn tại trong thực phẩm nữa.
Trong khi Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã quy định ngưỡng melamine an toàn đối với thức ăn chăn nuôi thì Bộ Y tế vẫn rất thận trọng với tiêu chuẩn này trong các loại thực phẩm cho người. Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm cho rằng, VN không thể áp dụng tiêu chuẩn của Mỹ, Trung Quốc về hàm lượng chất gây sạn thận trong sữa. Cần chờ đến khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chính thức để đảm bảo an toàn.
Ông cũng cho biết thêm hiện nay đa số các nước, dù hàm lượng melamine thấp hay cao đều không được chấp nhận, và trước mắt "chúng ta phải theo số đông, phải chống lại tình trạng nhiễm melamine do gian dối trước, rồi sau đó mới tính đến khả năng nhiễm từ bao bì hay do môi trường". |
Nguyễn Hưng thực hiện