Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Đức Tú, 36 tuổi, đạo diễn phim.
Tôi sinh ra trong một gia đình lao động Ô Chợ Dừa, Hà Nội. Bị thôi học khỏi Viện Đại học Mở Hà Nội, chuyên ngành thiết kế đồ họa năm 2005, tôi khăn gói vào Nam lập nghiệp và trải qua nhiều nghề, từ treo băng rôn, tới casting diễn viên, thiết kế mỹ thuật cho phim, MC radio... Cuối cùng, tôi cũng may mắn trở thành một nhà làm phim như mơ ước từ thủa bé.
Có cơ hội gặp gỡ nhiều người và được đi nhiều nơi trong quá trình làm phim, từ những vùng quê hẻo lánh của Việt Nam, tới nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận ra một sự tương phản thú vị, là rất nhiều người đều mong muốn cuộc sống của người khác.
Đa phần người nông thôn tôi gặp luôn cảm thấy thiếu thốn, muốn sống nơi thành thị đẹp đẽ như trên truyền hình, mạng xã hội. Họ thích vào siêu thị để mua sắm hơn là tự trồng mảnh vườn rau, nuôi con gà lấy trứng. Họ thích ở nhà xây ba bốn lầu hơn là ở trong căn nhà ngói ba gian mát rượi nhưng kém sang. Để rồi từ đó, nếu có cơ hội, họ sẽ lên thành phố. Họ không yêu nơi ở hiện tại của mình, họ không thấy vẻ đẹp của nơi chốn hiện tại họ sống.
Ngược lại, tôi tìm thấy những con người hạnh phúc tại những vùng đất xa với ánh sáng văn minh như phía bắc Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Campuchia. Người ta hạnh phúc có lẽ vì họ có đức tin tôn giáo, biết đủ, hạnh phúc với hiện tại. Mỗi khi ngơi việc đồng áng, họ lại làm những việc chế tác thủ công như bao nhiêu đời nay vẫn thế, đan cái rổ tre, đẽo cái cày, đóng bộ bàn ghế gỗ, tạo ra những vật dụng thiết yếu theo cách rất sáng tạo.
Từ ý tưởng đó, tôi quyết tâm trải nghiệm để xem nếu thử sống như những người dân quê bình thường, ít dùng đến tiền bạc, mình có chịu nổi không.
Chuyến du lịch đến Hòn Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đã giúp tôi nhận ra cơ hội. Tôi dừng công việc đạo diễn, bán hết gia sản ở TP HCM, đóng cửa công ty sản xuất phim, để bắt đầu trải nghiệm cuộc sống trong thiên nhiên tại hòn đảo này từ tháng 3/2017.
Tôi mua 4.000m2 đất ở lưng chừng núi Ma Thiên Lãnh. Cả đảo chỉ có 8.000 dân, còn riêng trên ngọn núi cao 250m so với mực nước biển này chỉ có khoảng 20 nóc nhà, mỗi nóc nhà chỉ có 1-2 người ở, chủ yếu là những người già đã không thể đi biển được nữa.
Cuộc sống ngoài đảo rất khác biệt, việc chính của tôi là vác đá, vác cây, cuốc đất, xây, làm mộc, trồng rau cũng như bất cứ việc gì phát sinh.
Hạn chế tối đa việc tác động vào thiên nhiên, tôi xây nhà không bê tông, cốt thép, nếu có kè đá chỉ là đá xếp lên nhau, nước vẫn trôi qua được, chứ dòng chảy không bị chặn, không ảnh hưởng hệ sinh thái. Ở đảo, việc thuê thợ khá khó, chủ yếu là người già, tôi tự tay làm phần lớn việc dựng nhà và trang trí, thường tôi chỉ có một đến 2 thợ phụ.
Tôi xây ngôi nhà đầu tiên bằng gỗ, 2 tầng với diện tích mặt sàn là 22 m2 ròng rã trong 5 tháng. Riêng việc xẻ núi làm móng, phát quang đã hết hơn một tháng. Việc xây khung nhà hết khoảng 2 tháng rưỡi. Hai tháng dành cho làm điện, khu vệ sinh, đóng nội thất, bếp.
Với tôi, một ngôi nhà chỉ cần nhỏ nhưng đa chức năng, bởi thời gian mình sống trong nhà không nhiều. Xung quanh rừng cây là nơi để mình sinh hoạt, đọc sách, vui chơi. Diện tích không gian nhà chỉ cần đáp ứng nhu cầu tối thiểu, có bếp để nấu ăn, có nhà vệ sinh, có phòng tắm kín gió, có phòng ngủ kín đáo, đặc biệt tấm nệm phải tốt.
Tôi từng muốn xây một nơi cho cả gia đình, nhưng sau đó, vì nhiều lý do, chỉ mình tôi về đây sống. Ở một mình cũng buồn, tôi xây thêm để hai căn nhà nữa để thỉnh thoảng đón người thân, bạn bè lên chơi, và cả làm homestay cho thuê. Tôi xây ngôi nhà thứ hai nhanh hơn vì đã có kinh nghiệm, mất 2 tháng rưỡi. Tôi đang hoàn thành ngôi nhà thứ ba bằng tre. Toàn bộ sàn và vách được ráp lại bằng đinh tre, vót bằng tay.
Với tôi, mỗi ngôi nhà là một trải nghiệm và nghiên cứu, để tìm ra các phương pháp tái sử dụng và tận dụng các vật liệu thân thiện môi trường. Vật liệu chính là bài toán nan giải và cần tính sáng tạo nhiều nhất vì địa hình nằm trên núi cao với khí hậu nhiệt đới ẩm ướt.
|
Cuộc sống ở ẩn trên núi cao ngoài đảo của anh Tú. |
Nhiều người bảo tôi liều lĩnh, những người khác lại không hiểu vì sao tôi làm vậy. Nhưng có nhiều người lại thích thú, sự đồng cảm có lẽ đến từ chặng đường tìm kiếm chân lý về hạnh phúc.
Tôi còn muốn làm nhiều hơn cho cộng đồng. Nếu tôi có thể tìm thấy hạnh phúc từ cuộc sống mộc mạc tối giản mà mình theo đuổi, tôi cũng mong muốn mình có thể truyền điều này cho những người xung quanh. Bằng những cây cối xung quanh, bỏ ra một ngày, ta đã có thể làm cái bàn, cái ghế để ngồi ăn, thay vì tìm mọi cách kiếm tiền để đi vào cửa hàng mua những món đồ ấy. Tạo ra thức ăn từ mảnh vườn thay vì đi vào siêu thị mua sắm hoặc ăn uống trong những cửa hàng đồ ăn nhanh.
Thực ra, ngoài tiền thuê thợ xây nhà, cuộc sống của tôi ở đảo gần như không cần đến tiền. Một tháng, tôi chỉ tiêu hết khoảng 2,5 triệu đồng, bao gồm thuốc lá, rượu, cà phê, điện thoại, 3G... Có những tuần, tôi không xuống chợ, vẫn không hề chết đói. Bên ngoài có sắn, rau, xoài đang chờ tôi hái và thưởng thức.
Tôi cũng mong muốn tìm ra những nơi vui chơi phù hợp cho con. Một môi trường gần gũi thiên nhiên, đất bùn, màu vẽ, những cơn mưa, bầu trời sao và cả những bài học về hệ động thực vật luôn luôn hấp dẫn con trẻ. Ngược lại ở thành thị, những khu vui chơi với đèn led nhấp nháy, âm thanh tò te tí oang oang với âm lượng chói tai. Không ai mảy may về việc ánh sáng nhấp nháy ấy có thể hại cho thị giác, âm lượng quá lớn và nhiều khi vô nghĩa có thể ảnh hưởng tới thính giác và thẩm mỹ của đứa bé đang tuổi định hình nhân cách.
Con tôi lên đây chơi cùng bố, sau hai ngày đầu chán nản vì cuộc sống không giống ngày thường, không đi siêu thị, không chơi lego, đã vô cùng sung sướng vì được bố bày cho nhiều trò gắn với thiên nhiên, được lên núi ngắm trăng sao, được cắm lều trên bãi cỏ. Là một người bố, tôi luôn mong con được sống vui vẻ, thực tế, có được nhiều kỷ niệm tuổi thơ ở những chốn bình yên như thế.
Một người bạn của anh Tú đang công tác tại báo Nhịp cầu đầu tư, người biết chuyện của anh từ khi còn là ý tưởng cho đến khi tới ở trên đảo, cho rằng, anh Tú thực ra không hề khác người mà chỉ là một người biết đi đúng xu hướng cuộc sống. “Khi mà xã hội vận động quá mạnh, con người ngày càng nhiều stress, thì người ta lại càng cần chăm sóc về tinh thần, và càng muốn gắn bó với thiên nhiên”, người bạn xin giấu tên lý giải
Kim Anh (ghi)