Người gửi: ruoitrau.tphcm
Để có giải pháp đúng trước hết phải tìm ra đúng nguyên nhân - chẩn đoán đúng bệnh - mới có giải pháp, biện pháp đúng.
Tôi thấy có một số nguyên nhân sau đây :
- Lòng lề đường hẹp lại bị chiếm dụng bán hàng, đỗ xe.
- Mật độ xe đông, quá nhiều xe cá nhân, nhiều xe quá hạn dùng.
- Bố trí các trung tâm quá tập trung (quy hoạch), tổ chức các hoạt động (kế hoạch) hội chợ, mittinh, biểu diễn, lễ hội…, chưa có ý thức chống kẹt xe.
- Cơ quan, bệnh viện, trường học ở khu trung tâm quá nhiều lại cùng giờ hoạt động.
- Các hoạt động thi công về điện, nước, bưu điện, cây xanh, vỉa hè… chiếm quá nhiều diện tích mặt đường.
- Chấp hành luật lệ giao thông và xử phạt không nghiêm, không cương quyết. Người làm luật chưa thấy hết tác hại của vấn đề này nên đưa ra mức phạt nhẹ tay.
- Đường thiếu, luồng, tuyến chưa hợp lý.
Sau đây tôi đi sâu phân tích từng nguyên nhân và đề ra một số giải pháp:
1. Lòng lề đường hẹp lại bị chiếm dụng làm nơi bán hàng, đỗ xe.
Tuyệt đối không cho bất cứ trường hợp nào được chiếm dụng lòng lề đường để đỗ xe, bán hàng. Hiện nay việc chiếm dụng lòng lề đường để kinh doanh, đậu xe rất phổ biến, do chưa xử lý nghiêm, chính quyền cơ sở làm ngơ. Người đi bộ không còn lối đi phải đi xuống lòng đường. Để khắc phục tình trạng này nên thực hiện các giải pháp như sau.
- Chỉ cấp phép hoạt động cho cửa hàng, cơ quan, xí nghiệp, trường học… khi có chỗ để xe cho nhân viên và cho khách. Ra kỳ hạn từ 3 đến 6 tháng cho những nơi chưa có. Sau đó nếu không có sẽ rút phép, đóng cửa. Không chấp hành sẽ bị phạt nặng. Việc này giao quyền cho UBND phường, quận và cảnh sát giao thông, trật tự đô thị, cảnh sát môi trường.
- Chỉ cho đậu xe ở lòng đường để lên xuống hàng, chỉ cho xe tải nhỏ được phép vào trung tâm, đưa rước hành khách trong thời hạn tối đa từ 5 đến 10 phút. Kiểm tra xử lý trường hợp này là cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường và trật tự đô thị.
Cấp quận, thành phố thường xuyên kiểm tra, xử lý cấp dưới quản lý địa bàn không tốt.
2. Mật độ xe đông, quá nhiều xe cá nhân, nhiều xe quá hạn dùng.
Điều này ai cũng thấy rõ. Sở dĩ có tình trạng này là do ngành giao thông công cộng chưa phục vụ tốt. Chúng ta chưa có xe điện, xe điện ngầm, xe điện trên không. Xe buýt mới phát triển vài năm gần đây. Trong tình hình đó người dân phải tự lo phương tiện đi lại cho mình, xe hơi cho gia đình, xe gắn máy cho cá nhân, trong lúc nhiều xe quá hạn dùng vẫn còn hoạt động, làm cho mật độ xe tăng lên, xe cũ chết máy làm cho ùn tắc giao thông phát triển.
Để giảm mật độ xe nên ưu tiên phát triển xe khách, xe du lịch đời mới, khí thải được xử lý trước khi thải ra môi trường. Loại xe này thường là đắt, sẽ ít phát triển, lại tốt cho môi trường. Để hạn chế xe gắn máy bằng cách cũng chỉ nhập xe tiên tiến, thuế cao, thi lấy bằng lái nghiêm chỉnh với yêu cầu cao, phải đội mũ bảo hiểm khi lưu thông, bãi giữ xe thu phí giữ xe cao. Giá nhiên liệu cao. Chỉ có xe phục vụ một lúc được nhiều người như xe buýt mới được bù giá. Cấm tất cả các loại xe quá hạn dùng lưu thông trên đường. Loại xe này lưu thông là coi thường tính mạng người khác.
Quy định biển xe số lẻ thì được đi ngày lẻ, số chẵn thì đi ngày chẵn. Xe lưu thông trên đường phố phải sạch sẽ. Cấm xe bẩn lưu thông trên đường phố.
3. Bố trí các trung tâm quá tập trung (quy hoạch), tổ chức các hoạt động (kế hoạch) hội chợ, mittinh, biểu diễn, lễ hội…, chưa có ý thức chống kẹt xe.
Lịch sử để lại thành phố có quá nhiều công trình văn hóa - xã hội tập trung ở quận 1, 3, 5, 6, điều đó kéo theo mật độ người vãng lai, tham quan tập trung ở những quận này. Gần đây về chiến lược thành phố có hướng kéo giãn ra quận 9, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi… nhưng chưa nhiều, chưa hoạt động hoặc chưa sôi động, lưu thông chưa thuận tiện.
Tổ chức các hoạt động như hội chợ, mít tinh, biểu diễn, lễ hội… thường chỉ tập trung ở quận 1. Chương trình Vầng trăng cổ nhạc tổ chức ở Suối Tiên, Bến Dược… cũng tốt sao chưa làm, chả lẽ người dân ở vùng này không biết thưởng thức? Thi hoa hậu, tiếng hát truyền hình, hội chợ, mít tinh, lễ hội kéo ra ngoại thành cũng tốt về nhiều mặt, lại chống được kẹt xe.
Có lẽ lãnh đạo chưa siêng đi xa, tổ chức như vậy không tiện chăng? Tôi đề nghị khi chọn địa điểm để tổ chức cái gì đó trong đầu nhà lãnh đạo, nhà thiết kế có ý thức: nhằm đem văn hóa đến vùng xa và chống kẹt xe trước tiên.
4. Cơ quan, bệnh viện, trường học tập trung ở khu trung tâm quá nhiều lại cùng giờ hoạt động, điều đó dễ ùn tắc giao thông. Thành phố đang có kế họach kéo giãn, tổ chức làm việc lệch giờ nhưng còn quá chậm và thiếu kiên quyết.
Ví dụ, việc xây trụ sở Vụ công tác phía Nam của Quốc hội đặt ở đường Hoàng Văn Thụ là chưa nghĩ đến vấn đề xã hội sâu rộng. Theo tôi, không nhất thiết phải đặt ở mặt tiền đường của một quận. Nếu đặt ở Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh trong khu đất rộng chắc là tốt hơn.
Tương tự, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chuyên khoa lao phía Nam, bệnh viện ung bướu… dời ra ngoại thành chắc chắn sẽ tốt hơn.
Giải pháp tình thế, tôi nhất trí phương án tổ chức làm việc học tập lệch ca.
5. Các hoạt động thi công về điện, nước, bưu điện, cây xanh, vỉa hè… chiếm quá nhiều diện tích mặt đường.
Cùng một thời điểm trên địa bàn nội thành có quá nhiều công trình điện, nước, thoát nước, bưu điện, vỉa hè… đang thi công kéo dài, chiếm nhiều diện tích mặt đường: đường Trần Hưng Đạo, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nhiêu Lộc Thị Nghè…
Có lẽ công trình kéo dài có lợi cho nhà thi công như chiếm dụng làm kho để vật tư, công trình kéo dài cũng không ai phạt. Thử đề nghị giải pháp các đơn vị thi công phải thuê mặt đường. Tùy theo tuyến đường, tùy mùa, ban đêm hay ban ngày mà có giá khác nhau. Đơn vị thi công thuê nhiều diện tích, nhiều thời gian ban ngày và càng kéo dài càng tốn nhiều tiền thuê ảnh hưởng đến lợi nhuận… Đây là biện pháp kinh tế hữu hiệu nhất để hạn chế việc chiếm dụng mặt đường.
6. Chấp hành luật lệ giao thông và xử phạt không nghiêm, không cương quyết. Người làm luật chưa thấy hết tác hại của vấn đề này nên đưa ra mức phạt nhẹ tay.
Nghiêm cấm việc lấn tuyến, chạy xe trên phần đường không được phép và không đảm bảo khoảng cách khi chạy cũng như khi dừng, kể cả lúc kẹt xe. Phạt thật nặng những người vi phạm. Đây là biện pháp khắc phục ngay tình trạng kẹt xe.
Để làm được việc này, tổ chức kiểm tra gắt gao và xử phạt thật nặng kể cả các biện pháp phạt nguội. Khi có kẹt xe tập trung nhiều đội, lực lượng đến không chỉ để giải tỏa mà còn quay phim, chụp hình. Cứ xe nào nằm trên phần đường không phải của mình, xe sau không đảm bảo khoảng cách với xe trước đều bị phạt nặng.
Trường hợp ngã tư trước bị kẹt các xe cứ rấn lên làm ngã tư sau cũng kẹt theo. Trong trường hợp này các xe nằm trên phần giao lộ đều bị xử phạt, lý do: không giữa đúng khoảng cách quy định, cố tình đi vào phần đường giao nhau trong lúc phía trước còn ùn tắc.
Nơi nào đã thực hiện được đường thông hè thoáng, gắn thêm đèn tín hiệu cho người đi bộ qua đường. Phạt nghiêm người đi bộ không đi trên lề, mà đi dưới lòng đường. Cấm các loại xe đẩy đi và đậu trên đường phố.
Đề ra mức phạt phải tính đến việc vi phạm đó làm thiệt hại trực tiếp và gián tiếp cho xã hội để có căn cứ đề ra mức phạt cao. Nếu làm được những điều này một cách triệt để, kiên quyết, chỉ tập trung lực lượng xử lý trong thời gian từ 6 tháng đến 8 tháng sẽ khắc phục được tình trạng kẹt xe.
7. Đường thiếu, bố trí luồng, tuyến chưa hợp lý. Cần nghiên cứu mở thêm nhiều đường có tính chất xương sống. Nghiên cứu bố trí luồng tuyến cho hợp lý, trong nội thành cấm quẹo trái, phát triển đường một chiều, giảm đến mức thấp nhất đường hai chiều. Mặt đường dưới 10 m chỉ nên một chiều, trên 10 m thì có thể hai chiều nhưng có dãy phân cách, nhất là tại các giao lộ.