Trẻ có thể bị rối loạn ám ảnh sợ khi xem phim bạo lực, hành động. Ảnh: Abcnews.com. |
Chị Hoa, mẹ Minh kể lại, 2 tháng trước chị có thuê đĩa phim búp bê ma quỷ về cả nhà cùng xem. Khi nhìn thấy con búp bê mặc váy đỏ, khuôn mặt dữ tợn trên nền phim tối om, bé đã rất sợ hãi, ôm chặt lấy mẹ, nhắm tịt cả mắt. Chị cho rằng phản ứng thế cũng bình thường, không cho xem nữa thì con sẽ hết sợ.
Hay như chị Mai (Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết bé gái nhà chị mới 2 tuổi, khi xem phần giới thiệu phim Chạy án, những lúc màn hình chuyển từ màu sang đen trắng, bé lại run lên, mắt mở trừng trừng vì sợ hãi. Bé "bị" xem vì bà nội rất thích bộ phim này, tối nào cũng quặp cháu để xem cùng cho vui. Dù chị đã nhiều lần góp ý nhưng bà luôn coi đó là chuyện nhỏ.
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna, khẳng định, cha mẹ không nên cho trẻ xem phim của người lớn, vì có thể sẽ khiến trẻ mắc bệnh rối loạn ám ảnh sợ hãi nếu gặp những hình ảnh kỳ lạ mà bé không hiểu. Sợ hãi là một dấu hiệu hoàn toàn bình thường ở trẻ nhỏ vì sự nhận thức chưa đầy đủ, sau một thời gian sẽ mất đi, nhưng với một số bé nó lại trở thành nỗi ám ảnh.
Bé Minh ở trên là một ví dụ về rối loạn ám ảnh sợ vì xem phim ma. Chỉ nhìn thấy búp bê trong nhà là bé vứt hết đi, ngay cả căn phòng ngồi xem phim lúc trước cũng sợ không dám vào. Tối đi ngủ lúc nào cũng phải bật điện, thậm chí ban ngày mở cửa sáng nhưng vẫn phải bật đèn.
Bé Trang 4 tuổi (Mai Động, Hà Nội) lại rất sợ bị chặt đầu sau khi xem cảnh thăng đường trong phim Bao công. Mặc dù cha mẹ giải thích rất nhiều rằng đó là sự trừng phạt với những kẻ xấu, kẻ ác nhưng vì không hiểu nên bé thấy rất "ghê". Chỉ cần nhớ lại cháu cũng sợ hãi, co rúm người.
Bác sĩ Bưởi cũng cho biết những rối loạn ám ảnh sợ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ cả về sức khỏe lẫn tâm lý. Cảm giác sợ hãi khiến trẻ khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh, đau bụng, đau đầu, buồn nôn, toát mồ hôi... Về mặt tâm lý, trẻ sẽ có cảm giác không an toàn, khóc lóc buồn rầu, căng thẳng cáu kỉnh, hay gặp ác mộng...
Những bé này thường có biểu hiện bồn chồn, đứng ngồi không yên, kích động chống đối, rối loạn ứng xử với người khác, khó kết bạn, kết quả học tập sút kém vì kém chú ý.
Trẻ sợ hãi vì chưa nhận thức hết được vấn đề, chưa hiểu. Vì thế để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi cần rất nhiều thời gian, thậm chí vài tháng để bé hiểu rằng không có gì phải sợ, cần tập cho trẻ quen dần với hoàn cảnh. Khi trẻ đã cảm thấy an toàn, sẽ không cảm thấy sợ hãi.
Bà Bưởi cũng khuyến cáo, sợ hãi là một tâm lý rất bình thường ở trẻ nhưng khi sự sợ hãi trở nên thái quá, cha mẹ nên đưa con đến các chuyên gia về tâm lý để thăm khám kịp thời, tránh kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe và dẫn đến các rối loạn khác về tâm lý.
Nam Phương