Ảnh: corbis. |
Ly dị dường như không phải là lý do gây ra một vài trục trặc hành vi ở trẻ. "Điều đó phụ thuộc vào từng ông bố, bà mẹ và gia đình đó", Allen Li, trợ lý giám đốc tại Trung tâm nghiên cứu Dân số ở Tập đoàn RAND, California, Mỹ, cho biết. "Kết luận của tôi là ly dị chẳng tốt cũng chẳng xấu".
Kết luận của Li trái ngược hẳn so với nhiều nghiên cứu trước đây về ảnh hưởng của ly hôn tới con trẻ, theo đó sự tan đàn xẻ nghé này là nguyên nhân khiến trẻ có những hành vi xấu.
Nghiên cứu của Li thực hiện trên 6.332 trẻ, phân tích một mô hình dữ liệu mới. Thay vì so sánh con của những cặp vợ chồng sống cùng nhau với con của các cặp ly hôn, Li đã tìm hiểu trong thời gian dài và theo dõi hành vi của trẻ trước và sau khi cha mẹ chúng bỏ nhau.
Bản theo dõi xét đến 28 hành vi, chẳng hạn khóc, lừa đảo, tần số cãi nhau... từ tuổi 4 đến 15. Li tìm thấy sự gia tăng số hành vi xấu sau khi cha mẹ ly dị nhỏ đến nỗi nó trở nên không đáng kể. Xu hướng hư hỏng bắt đầu trước cuộc ly hôn có thể tiếp tục, ngay cả khi cha mẹ không ly dị nữa, ông nói.
Đầu thập kỷ 1990, nghiên cứu của nhà nhân chủng học xã hội Andrew Cherlin từ Đại học Johns Hopkins đã tìm hiểu bọn trẻ trước và sau khi cha mẹ ly hôn, và so sánh chúng với trẻ có cha mẹ không ly hôn. Ông cũng tìm thấy một vài vấn đề mà trẻ gặp phải sau ly dị có vẻ đã xuất hiện từ trước cuộc chia tay đó.
"Thông điệp của tôi là về lâu dài hầu hết trẻ em không bị ảnh hưởng nặng nề từ sự ly hôn của cha mẹ. Song ly hôn vẫn làm tăng nguy cơ khiến trẻ gặp trục trặc", ông nói.
T. An (theo usatoday)