Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam - thành viên Trungnam Group, vừa công bố chuyển nhượng 35,1% cổ phần Nhà máy điện gió Trung Nam. Thỏa thuận này giúp mở ra bước tiến mới trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài trong việc thực hiện các dự án năng lượng tái tạo của Trungnam Group. Đây mới là lần thứ hai Trungnam Group huy động vốn thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần, trong suốt 17 năm hoạt động.

Ông Nguyễn Tâm Tiến - CEO Trungnam Group chia sẻ với VnExpress kế hoạch thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp này trong thời gian tới, cũng như định hướng phát triển của tập đoàn trong 6 mảng hoạt động trọng yếu.

Chuyển nhượng cổ phần là một cách thức để giúp doanh nghiệp khỏe hơn. Ví dụ mình mua xe, thấy thị trường tốt, cố giữ xe đó cho mình thì chỉ chở chừng đó khách, không phát triển được. Bây giờ mình tìm đối tác san sẻ một phần vốn, một phần lợi nhuận, để dùng vốn vừa huy động đó để phát triển thêm những chiếc xe khác. Đó là cách thức trên thế giới đã làm rất nhiều. Khi bán đi một phần cổ phần, doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phát triển. Nếu không bán thì dòng tiền không thể được đẩy mạnh và không chứng minh được cho ngân hàng mình có vốn đối ứng, có đối tác, để tiếp tục vay cho những dự án khác. Trong kinh tế hay tài chính, chuyển nhượng cũng là một nghệ thuật.

Tuy nhiên, Trungnam Group có một điểm đặc biệt là chúng tôi không bao giờ bán cổ phần chi phối. Kế đến, chúng tôi không bao giờ bán cho những đối tác có nền tảng vốn không rõ ràng. Nếu có bán cũng sẽ chỉ bán cho chính đối tác Việt Nam, mạnh, có khả năng liên kết lâu dài; hoặc là tập đoàn Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, có nền tảng lịch sử tốt như Hitachi SE hôm nay.

Năng lượng là mảng chủ chốt của Trungnam Group. Chúng tôi vẫn sẽ điều hành tất cả nhà máy điện, vì định hướng của tập đoàn là phát triển chuỗi các nhà máy. Nếu bán cổ phần chi phối của một nhà máy thôi, cũng sẽ mất quyền kiểm soát cả chuỗi. Cần hiểu rằng việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng không vấn đề để chúng ta lo lắng về an ninh năng lượng của Việt Nam. Bởi đó là câu chuyện của vận hành hệ thống. Hiện EVN vẫn là đơn vị cầm trịch. Chúng ta chỉ nên lo lắng về an ninh năng lượng khi tình trạng khẩn cấp xảy ra, ai sẽ là đơn vị điều phối. Ở đây, vai trò điều phối của Nhà nước và EVN đã rất rõ ràng. Chứ không phải an ninh năng lượng là không cho nước ngoài hay tư nhân đầu tư.

Bán lúa non, lúa chín hay thành cơm rồi bán cho nhà hàng thì đều là nghệ thuật. Chúng tôi quan niệm thế này, khi xin được dự án rồi, vì sao không bán ngay dự án đó? Vì có thể doanh nghiệp nước ngoài không dám mua. Họ không dại, có khi còn thông minh hơn mình. Với Trungnam Group chúng tôi quyết định xây dựng thành phẩm, nuôi con lớn rồi mới gả đi. Phải chọn thời điểm chuyển nhượng cổ phần để phát triển thêm lên.

Kế đến, Trungnam Group sẵn sàng huy động vốn nước ngoài. Tất nhiên phải cân đối rất nhiều yếu tố và tiêu chí tìm kiếm đối tác như đã kể trên. Hiện tại, chúng tôi chưa nói trước được điều gì vì nếu bây giờ khẳng định không bán cổ phần nữa mà sau này lại bán thì không giống ai. Nhưng nếu cứ "rêu rao" là bán thì cũng không phải cách làm của Trungnam Group. Chúng tôi sẽ xem xét rất cẩn trọng.

Covid-19 là tác nhân làm giảm tiêu thụ điện sản xuất thời gian qua. Tuy nhiên cần hiểu đây là tình thế chung, bắt buộc, trong bối cảnh thiên tai dịch họa. Nếu nhìn tổng thể thì trong sản lượng điện năm qua vẫn tăng do tiêu thụ điện trong sinh hoạt. Đồng thời chiếu theo Quy hoạch điện VIII đã được thông qua, chúng ta vẫn còn thiếu điện.

Đối với thách thức do Covid-19, tôi cho rằng không nên bi quan. Tôi cũng đã đến tham quan các cảng biển, riêng cảng Cà Ná Trungnam Group đang đầu tư. Thực tế năm qua, nền kinh tế Việt Nam vẫn chống chịu, phát triển rất tốt. Hoạt động xuất nhập khẩu tấp nập. Do đó Covid-19 chỉ là nhất thời.

Trở lại với câu chuyện của mảng năng lượng, vì sao Trungnam Group xây hàng chục nhà máy điện, chỉ có một nhà máy phải "khóc". Chúng tôi cũng đã trình bày điều này trong thư gửi Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trường hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW (Ninh Thuận) bị cắt giảm công suất.

Từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, dự án thường xuyên bị cắt giảm công suất phát, nhiều thời điểm nhà máy bị giảm tới hơn 80% công suất thiết kế. Việc cắt giảm công suất điện liên tục ảnh hưởng lớn đến doanh thu và tốc độ thu hồi vốn, khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền gốc, lãi vay cho ngân hàng.

Bản thân nhà máy hoạt động không gây ra quá tải lưới điện. Khi quyết định đầu tư, chúng tôi đã xem xét, cân đối hiệu quả giữa chi phí đầu tư trạm biến áp, đường dây và hoạt động của 450 MW điện mặt trời... Và hiện tại chúng tôi cũng đang tiếp tục bỏ kinh phí để vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống truyền tải, thay mặt EVN, EVNNPT thực hiện giải toả công suất, mang lại lợi ích chung cho các nhà đầu tư khác trong khu vực. Chúng tôi đã có những đóng góp không nhỏ cho hệ thống tuyền tải, thế nhưng việc cắt giảm công suất của nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam không phân biệt với các dự án khác đang sử dụng chung đường truyền tải do chúng tôi đầu tư, là thiếu hợp lý.

Chúng tôi chưa nghĩ đến việc lên sàn vì khi huy động vốn từ kênh ngân hàng có thể mở cánh cửa thương lượng, thỏa thuận hiệu quả hơn cho Trungnam Group. Điều này tùy quan điểm của từng doanh nghiệp. Trungnam Group 17 tuổi, còn trẻ, cố gắng làm việc của mình, những áp lực không đáng có sau khi lên sàn như thế chúng tôi không mong muốn.

Trong khi đó khi chọn hướng vay ngân hàng, chúng tôi vẫn có lợi thế. Tập đoàn hiện có tài sản bất động sản hơn một tỷ USD, chưa bán thì dùng đó để làm tài sản đảm bảo để phát triển những lĩnh vực khác. Nếu chúng tôi không hiệu quả, các ngân hàng sẽ không cho vay. Chúng tôi có các dự án năng lượng đang hoạt động ổn định, bất động sản tài sản vững vàng, vốn đối ứng đảm bảo. Do đó việc gắn bó hữu cơ với ngân hàng cũng là một hình thức cộng sinh của nền kinh tế.

Có thể có người sẽ bảo chúng tôi sợ minh bạch. Thực ra cạnh tranh bây giờ rất khốc liệt, việc minh bạch là chắc chắn phải làm với một doanh nghiệp muốn sống còn chứ chưa nói đến phát triển. Thương hiệu phải xây dựng cho chính bản thân, cá nhân, tập thể, doanh nghiệp.

Năng lượng vẫn sẽ là hoạt động chủ chốt của chúng tôi, đặc biệt là điện gió. Dĩ nhiên bất kỳ một thay đổi nào về cơ chế giá đều ảnh hưởng doanh nghiệp. Nhưng với năng lực và khả năng am hiểu thị trường Việt Nam, chúng tôi tự tin không thua kém bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào, thậm chí có lợi thế hơn họ vì chúng tôi là doanh nghiệp Việt Nam.

Bất động sản biên lợi nhuận cao nhưng lên xuống theo chu kỳ, chúng tôi vẫn theo nhưng không dựa hoàn toàn vào mảng này. Hiện chúng tôi có dự án khu công nghệ thông tin tập trung, dự án Golden Hills (Đà Nẵng) hoàn toàn không vay mà triển khai bằng vốn tự có, không đợi ngân hàng vì khả năng rủi ro rất cao nếu sử dụng đòn bẩy tài chính.

Còn ở mảng hạ tầng, chúng tôi cho rằng không còn sức hấp dẫn. Riêng dự án khiến doanh nghiệp đau đầu nhất là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP HCM đến bây giờ vẫn còn vướng mắc, mỗi ngày tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Mỗi tuần chúng tôi gửi vài đơn thư kiến nghị nhưng vẫn chưa được khơi thông.

Trungnam Group xác định sẽ tiếp tục theo đuổi 6 ngành mũi nhọn, gồm hạ tầng, năng lượng, bất động sản công nghiệp, bất động sản đô thị, bất động sản du lịch và mới nhất là sản xuất bo mạch điện tử. Chúng tôi sẽ chọn những lĩnh vực đất nước đang cần để đầu tư. Kế đến, tập đoàn sẽ đi dần vào hướng sản phẩm tiêu dùng. Bây giờ quỹ đất dần cạn, các dự án đã hoạt động đâu vào đấy. Trong khi đó thu nhập bình quân đầu người đang gia tăng rất nhanh chóng. Đây là cơ hội để dần chuyển dịch vào mảng dịch vụ, giải trí.

Tuy nhiên cần hiểu Trungnam Group là một phần của xã hội. Nền kinh tế hắt hơi xổ mũi thì chúng tôi cũng khó tránh. Nếu nền kinh tế không phát triển thì doanh nghiệp có đặt mục tiêu kiểu gì cũng không phát triển nổi.

Chúng tôi không muốn trở thành người đứng đầu, vì thường người đứng đầu hay bị "vỡ đầu". Ở đâu có cơ hội thì doanh nghiệp cứ làm. Tổng công suất các nhà máy năng lượng tái tạo của Trungnam Group khá lớn, có thể coi là lớn nhất ở Việt Nam và có vị thế ở Đông Nam Á. Tuy nhiên chỉ mang tính thời điểm. Rồi sẽ có những đơn vị phát triển mạnh thêm. Danh tiếng hay vị thế, có được rồi, giữ rất khó. Điều gì tự đến, tự tan thôi. Nói nôm na một câu chuyện, tán tỉnh dễ, cưới nhau dễ, có con tùy, nhưng nuôi con cực kỳ khó. Doanh nghiệp cũng thế thôi.

Tôi mong muốn Việt Nam chúng tôi cũng có doanh nghiệp hoạt động vì dân tộc, như những chaebol của Hàn Quốc nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ trong một thời gian rất dài để gây dựng cơ nghiệp, và trở thành những đầu tàu cống hiến, dẫn dắt nền kinh tế này phát triển thành "con hổ" của châu Á. Tại Đông Nam Á, Thái Lan, Singapore cũng hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp phát triển. Nếu Chính phủ không ủng hộ và thị trường không dành cho những đơn vị như Trungnam Group thì mãi mãi chúng tôi cũng chỉ đi là "cò con" cho tập đoàn nước ngoài. Việt Nam chúng ta có cơ hội phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Và trong mỗi hoạt động của Trungnam Group, chúng tôi xác định làm mà không nghĩ đến cộng đồng thì thôi không nên làm nữa. Doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, đúng, nhưng không được phép chỉ nghĩ cho mình mà phải nhìn về diện rộng, việc mình làm có tác động như thế nào tới số đông.