Trao đổi với VnExpress, ông Michael Rosen – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình (PAN Pacific) nhận định Việt Nam đang có những điều kiện hoàn hảo để giải quyết nhu cầu lương thực nội địa và cả hỗ trợ thế giới. Vị CEO này cũng chia sẻ một số quyết định M&A của công ty thời gian qua.
- Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đồng loạt lên kế hoạch mở rộng đầu tư cho nông nghiệp. Theo ông, vì sao lại có sự chuyển dịch như vậy?
- Nông nghiệp là ngành sản xuất có thế mạnh lâu đời nhất ở Việt Nam. Các bạn có đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu thuận lợi và những con người tài năng. Những yếu tố đó giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới trong nhiều loại sản phẩm nông nghiệp quan trọng như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cá tra...
Trong khi đó, thế giới hiện phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt và khủng hoảng an ninh lương thực ngày một gia tăng. Còn Việt Nam đang có những điều kiện hoàn hảo để giải quyết những nhu cầu nội địa và hỗ trợ thế giới. Thực phẩm chế biến và đóng gói, lĩnh vực Việt Nam chưa phát triển mạnh sẽ là bước tiến tự nhiên trong quá trình tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp. Tôi cho rằng các doanh nghiệp đang nhìn thấy những nhu cầu này và tìm cách biến chúng thành cơ hội.
- Vậy khả năng sinh lời của kênh đầu tư này đến đâu, thưa ông?
- Rất khó để đưa ra câu trả lời thích hợp về mức độ sinh lời cụ thể trong mỗi lĩnh vực đầu tư. Nhưng rõ ràng, cơ hội trong ngành nông nghiệp là rất lớn khi vấn đề an toàn và an ninh lương thực ngày càng trở nên nghiêm trọng. Những công ty có khả năng tích hợp chuỗi giá trị trong nông nhiệp, đảm bảo thực phẩm an toàn, có khả năng truy xuất nguồn gốc, tập trung vào chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh chắc chắn sẽ đem lại lợi nhuận cho cổ đông và giá trị tích cực cho xã hội.
- So với các quốc gia khác trên thế giới, ông nhận thấy xu thế đầu tư vào nông nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam hiện có gì khác biệt?
- Nông nghiệp là một ngành hấp dẫn đối với nhiều quốc gia. Rất nhiều nước phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản và tạo dựng thế mạnh ở sản phẩm hữu cơ.
Với Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp đang có cơ hội rất lớn để phát triển ngành nông nghiệp nếu họ có thể tích hợp chuỗi giá trị trong lĩnh vực này để đưa ra các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, năng suất tốt hơn. Điều cần thiết là sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn và chất lượng.
- Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì để phát triển tốt ở lĩnh vực này?
- Nông nghiệp là ngành nghề sản xuất, kinh doanh rất đặc thù. Do đó, nếu đầu tư vào đây, bạn phải chọn những đơn vị có bộ máy ổn định, sở hữu nguồn nhân lực thực sự là những chuyên gia trong lĩnh vực, có những sản phẩm cốt lõi, thế mạnh để phát triển thật tốt. Sau đó mới nghĩ đến khả năng mua lại những công ty có tiềm năng, nhưng chưa thực sự phát triển để tái cơ cấu.
Đánh giá trên yêu cầu chung, để phát triển tốt trong ngành này, doanh nghiệp cần nhiều yếu tố tổng hòa, bao gồm tài chính, kinh nghiệm quản trị, marketing, hiểu biết về thị trường nội địa và quốc tế, có kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm đóng gói hoặc phải tích tụ đủ những yếu tố này bằng cách nào đó. Bởi lẽ chúng ta đang hướng đến một nền nông nghiệp tiên tiến hơn, có thể cạnh tranh mạnh mẽ với sản phẩm của các nước tiên tiến trên thế giới.
- Ngoài những đánh giá rất khả quan về lĩnh vực đầu tư này, ông nhận thấy có thể có những rủi ro thế nào khi chuyển dịch vốn sang nông nghiệp?
- Nông nghiệp là ngành sản xuất, kinh doanh đặc thù nên sự hiểu biết chưa đầy đủ về ngành sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng. Các sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng... Những mặt hàng xuất khẩu còn phải chịu nhiều tác động của các hàng rào phi thuế quan từ các nước phát triển. Bên cạnh đó, giá sản phẩm nông nghiệp trên thế giới cũng phụ thuộc nhiều vào tình hình cung cầu nên các doanh nghiệp thiếu kênh thông tin và kiến thức, kinh nghiệm để tự bảo vệ sẽ gặp những rủi ro với biến động giá cả đầu vào, đầu ra.
- Vậy các công ty nên làm gì để ứng phó, xử lý những rủi ro như vậy?
- Các doanh nghiệp cần có kiến thức, kỹ thuật và các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực nông nghiệp để giải quyết tốt nhất những vấn đề này. Chẳng hạn, cách tốt nhất để vượt qua những hàng rào phi thuế quan của các nước phát triển là nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế cần hiểu rõ cơ chế giao dịch trên thị trường hàng hóa thế giới, biết tận dụng tốt những công cụ giá mua bán cân đối để giảm thiểu rủi ro. Trong dài hạn, các doanh nghiệp cần hướng tới gia tăng giá trị cho sản phẩm, giảm xuất khẩu thô để có sự phát triển ổn định, bền vững.
- Vừa mua 24% vốn tại Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Mã CK: LAF) - một đơn vị đang lỗ lũy kế cả trăm tỷ đồng, ông lý giải như thế nào về quyết định của PAN?
- Chế biến Hàng xuất khẩu Long An là đơn vị kinh doanh lỗ trong năm 2012 nhưng đã có rất nhiều tiến bộ và báo lãi năm 2013 cùng quý 1/2014. Chúng tôi nhận thấy mặt hàng điều - sản phẩm chủ yếu của đơn vị này phù hợp với chiến lược của mình, đồng thời có thể bổ sung cho công ty những thế mạnh trong vấn đề tài chính, quản trị và mối quan hệ với các tổ chức quốc tế nhằm giúp hoạt động tốt hơn.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong khá nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực điều mà chúng tôi có thể lựa chọn. Do đó, chúng tôi mong muốn sở hữu tỷ lệ lớn cổ phần nhưng không có nghĩa sẽ thực hiện ý tưởng này bằng mọi giá.
Việc hoàn tất thương vụ hay không còn phụ thuộc vào việc mua cổ phần LAF thuận lợi ra sao, giá mua bao nhiêu. Nếu giá chào bán trên 10.000 đồng mỗi cổ phiếu, chúng tôi sẽ cân nhắc lại và tìm kiếm sự thay thế phù hợp.
- Đầu tư vào một đơn vị vẫn còn đang gánh lỗ lũy kế như vậy có thể đem lại những rủi ro thế nào, thưa ông?
- Khi quyết định đầu tư vào Công ty Chế biến Hàng xuất khẩu Long An hoặc một doanh nghiệp nào đó tương tự, chúng tôi phải tìm hiểu rất kỹ nguyên nhân gây ra lỗ lũy kế dựa trên phân tích cẩn thận mọi mặt của công ty, đánh giá khả năng giải quyết những nguyên nhân đó. Từ đó, khi đã mua được tài sản tốt của doanh nghiệp với giá hợp lý, chúng tôi có chiến lược riêng của mình để tháo gỡ những khó khăn này. Nguyên tắc chi trả dựa trên giá trị doanh nghiệp là một trong những cách thức kiểm soát rủi ro cơ bản nhất. Với Hàng xuất khẩu Long An, giá trị chúng tôi đánh giá không quá 10.000 đồng một cổ phiếu.
Việc vực dậy một doanh nghiệp kinh doanh lỗ không bao giờ là câu chuyện đơn giản. Nhưng với kinh nghiệm và tiềm lực mà chúng tôi đang có, việc tái phát triển những doanh nghiệp như vậy sẽ mang lại cơ hội lớn cho công ty và các cổ đông.
Ông Michael Rosen từng giữ chức Tổng giám đốc kiêm đồng sở hữu Công ty Chứng khoán Oscar Gruss & Son Incorporated, đơn vị thành viên của Sở giao dịch Chứng khoán New York. Ngoài ra, ông từng là Tổng giám đốc Công ty Continental Information Systems Corporation (NASDAQ, Mã: CISC) với vai trò định hướng công ty phát triển các ứng dụng phần mềm. Ông là giáo sư tại Khoa Quản trị của trường kinh doanh Đại học New York, một nhà kinh doanh bất động sản, một nhà đầu tư. |
Tường Vi