Anh Trần Trọng Hùng hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FBL - chủ sở hữu trường mầm non HOS Preschool tại Nguyễn Tuân, Hà Nội. Trường có năm lớp từ 18 tháng đến năm tuổi. Anh Hùng đặt mục tiêu mở thêm hai cơ sở tại Hà Nội trước năm 2020.
Từng làm chủ một công ty xây dựng với doanh thu gấp nhiều lần trường mầm non hiện tại nhưng anh Hùng nhận ra mình không dành nhiều thời gian cho gia đình, con cái.
"Suốt 7, 8 năm làm nghề xây dựng, tôi hầu như không có mặt ở nhà. Năm 2014, trong kỳ nghỉ hiếm hoi ở nhà, nhìn các con chơi đùa, tôi nhận ra mình đã phó mặc cho vợ chăm sóc và nuôi dạy con cái. Bởi vậy, tôi quyết định dành nhiều thời gian hơn cho bọn trẻ", anh Hùng nhớ lại.

CEO Trần Trọng Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty FBL (Sở hữu trường mầm non HOS).
Giảm bớt công việc, dành thời gian cho con, anh Hùng còn tìm hiểu, đọc các phương pháp giáo dục quốc tế. Nhận thấy khoảng 0-6 tuổi là giai đoạn vàng của con người, quyết định đến sự phát triển não bộ, trí thông minh và sự nhạy cảm các giác quan của trẻ, anh quyết định tìm cho con một trường mầm non tốt.
"Tôi tìm hiểu các trường mầm non, nhiều trường chất lượng cao với phương pháp giáo dục nổi tiếng như Montessori, Reggio Mellia, Glenn Doman, Shichida... Tuy nhiên, đây là các trường chuyên biệt, mỗi trường áp dụng một phương pháp phù hợp với một số môn học, lĩnh vực khác nhau, chưa có phương pháp toàn diện đối với sự phát triển của trẻ", CEO trẻ cho biết.
Trăn trở của một người cha khiến anh bán lại công ty xây dựng để nghiên cứu và thiết lập một trường mầm non tốt nhất cho con mình và cho những đứa trẻ từ 0 đến 6 tuổi.
"Mở một trường mầm non khác biệt với việc kinh doanh ngành xây dựng. Trước đây, tôi luôn phải tìm giải pháp để tối ưu hoá lợi nhuận, bài toán kinh tế phải đặt lên hàng đầu, bây giờ lại hoàn toàn ngược lại, bài toán về chất lượng giáo dục phải được đặt lên hàng đầu", anh Hùng nói.
Mất hơn một năn để tìm cộng sự, nghiên cứu các phương pháp giáo dục hiện đại trên thế giới, anh Hùng tìm ra phương pháp "Hands-on learning". Sau đó anh cùng các chuyên gia nước ngoài xây dựng các chương trình, hệ thống đào tạo phù hợp tại Việt Nam.

CEO Trần Trọng Hùng và cán bộ, giáo viên trường mầm non HOS.
Theo anh, Hands-on learning chú trọng đến việc cho trẻ trải nghiệm thực tế, tự làm, tự thực hành, tự mày mò để tìm hiểu, sáng tạo và khám phá ra kiến thức. Giáo viên chỉ đóng vai trò xây dựng bối cảnh học tập, định hướng, dẫn dắt bằng những câu hỏi mở thông minh giúp những đứa trẻ tìm ra câu trả lời và ghi nhớ kiến thức thẳng vào tiềm thức của mình. Nó sẽ giúp trẻ phát huy sự sáng tạo, chủ động và tự tin.
Năm 2016, trường mầm non HOS (Hands-on school) của CEO Trần Trọng Hùng ra đời. Không gian, bố cục, màu sắc, giáo cụ học tập tại trường đều được chăm chút. Tuy nhiên, năm khai giảng đầu tiên, HOS chỉ có gần 10 học sinh, hầu hết là con em của giáo viên trong trường.
Chia sẻ lý do trường chưa thu hút học sinh, anh Hùng cho biết, phương pháp giáo dục Hands-on learning còn khá mới mẻ đối với người Việt dù khá được ưa chuộng tại nước ngoài. Nhiều phụ huynh cũng chưa tự tin để con theo học.
Sau một thời gian dài kiên trì thực hiện, anh Hùng dần khẳng định được giá trị của Hands-on learning, thuyết phục được phụ huynh cho con theo học. Hiện, HOS có gần 100 học sinh theo học, đạt doanh thu hàng tháng 500 triệu đồng.

Anh Trần Trọng Hùng tham gia chương trình CEO - Chìa khoá thành công trên VTV1 (Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoàng Gia Media Group và Tập đoàn Novaland thực hiện).
Tham gia chương trình CEO - Chìa khoá thành công trên VTV1, Đài truyền hình Việt Nam, anh Hùng cũng chia sẻ về câu chuyện bán công ty doanh thu cao để mở trường mầm non. "Tôi mở HOS không dựa trên quan điểm của một người làm kinh doanh, mà tôi đang xây trường cho con, cháu mình", anh Hùng khẳng định.
Chia sẻ về chiến lược kinh doanh trong năm 2018, vị CEO cho biết, chất lượng giáo dục vẫn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Phụ huynh hiện tại là người bán hàng uy tín và trung thành nhất.
Thu Ngân