Tháng 7, nhận thấy quy định chiết khấu hoa hồng cho đại lý trong Nghị định 84/2009 chưa rõ ràng, Bộ Tài chính đã đưa nội dung này vào báo cáo gửi lên Thủ tướng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của nghị định. Trong khi Nghị định 84 chưa được sửa thì hoa hồng cho đại lý vẫn lằng nhằng, “hên xui” tùy doanh nghiệp đầu mối. Gần đây, nhiều cây xăng tư nhân lại gửi “tráp” lên các sở Công thương xin ngưng bán.
![]() |
Một cây xăng đóng cửa im ỉm gần hai tháng nay. Ảnh: PLTPHCM. |
Những ngày gần đây, hỏi thăm một vài doanh nghiệp đại lý xăng dầu, cứ mỗi lần nhắc đến “hoa hồng” đều nhận được những cái lắc đầu ngán ngẩm. Ông Dương Tường Phước, chủ một cây xăng khu vực Bình Triệu (quận Thủ Đức, TP HCM), cho biết: “Hiện tổng đại lý chiết khấu cho chúng tôi 170 đồng một lít, sau khi trừ phí vận chuyển 100 đồng thì đại lý chỉ còn 70 đồng mỗi lít. Với mức này tôi không đủ để trả lương cho 10 nhân công trong một ngày là 1 triệu đồng, chưa kể tiền thuê mặt bằng, lãi suất ngân hàng… Tôi đã nghĩ đến việc nghỉ bán” - ông Phước nói.
Ông Lê Văn Xê, chủ một số cây xăng tại Thừa Thiên - Huế, bộc bạch: “Mới đây tôi đã gửi đơn xin Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho tạm ngưng bán một tháng vì không chịu nổi mức lỗ. Khi biết tôi xin tạm ngưng bán thì phía đầu mối tăng hoa hồng thêm 50 đồng thành 250 đồng một lít, trừ đi 150 đồng chi phí vận chuyển thì đại lý còn 100 đồng mỗi lít. Nhưng về lâu dài, các cây xăng phải có lãi thì mới duy trì hoạt động được”.
Trên diễn đàn, nhiều đại lý cho biết họ không những phải cắt giảm nhân công mà còn bán thêm các mặt hàng khác như nước ngọt để có thêm chi phí duy trì cây xăng.
Bàn về mức thù lao đại lý trong Nghị định 84/2009, có thể thấy quy định chưa được rõ ràng và chỉ nằm trong chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, mỗi doanh nghiệp sau khi trừ các chi phí lãi suất, hao hụt, kho bãi… sẽ trích một khoản hoa hồng cho đại lý. Tùy từng thời điểm kinh doanh lỗ, lãi, doanh nghiệp đầu mối sẽ cân nhắc mức hoa hồng cụ thể. Có lúc để đẩy hàng tồn kho hoặc nâng cao thị phần, doanh nghiệp đầu mối trích tới 800-900 đồng một lít. Cũng có lúc cho rằng đang lỗ, doanh nghiệp đầu mối chỉ trích hoa hồng 170 đồng/lít như hiện nay.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng vào đầu tháng 7, Bộ Tài chính đề xuất nâng chi phí bán lẻ bình quân trong nước ở địa bàn gần cảng nhập khẩu và gần nhà máy chế biến xăng trong nước tối đa 860 đồng một lít. Chi phí bán lẻ bình quân ở các địa bàn khác bằng 860 đồng/lít cộng thêm tối đa 2% mức giá bán lẻ xăng dầu ở địa bàn gần cảng nhập khẩu. Trong chi phí bán lẻ được nâng lên, thù lao dành cho tổng đại lý khi giao hàng tại cửa hàng (đã bao gồm VAT) không quá 50% chi phí bán lẻ bình quân nói trên (khoảng 430 đồng một lít). Tuy nhiên, nội dung kiến nghị trên vẫn chưa nêu rõ mức chiết khấu hoa hồng tối thiểu là bao nhiêu.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nhận định: “Nghị định 84 ngoài việc quy định mức trần của hoa hồng rất cần phải quy định mức sàn tối thiểu, đủ để doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Tuy nhiên, mức này phải quy định độc lập, không nên chung chung tính vào chi phí kinh doanh như hiện nay”.
Một thành viên Tổ điều hành giá xăng dầu cho biết, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đang thảo luận về chi phí định mức bán lẻ và hoa hồng cho đại lý theo hướng nâng lên so với quy định hiện hành. Chốt phương án điều chỉnh sẽ do Thủ tướng quyết định ban hành sau khi lắng nghe ý kiến tham mưu của liên bộ.
(Theo Pháp luật TP HCM)