Cầy được nuôi ở rừng Cúc Phương. Ảnh: Hà Nội Mới. |
Ông Nguyễn Văn Cảm, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương, cho biết, từ đầu năm đến nay, tại khu bảo tồn thiên nhiên Cúc Phương có 6 cầy vằn, 2 cầy vòi mốc, 5 chào mào, 2 vọc ngũ sắc và một culi chết. Qua xét nghiệm, có 5 cầy vằn chết do nhiễm virus cúm gia cầm H5N1. Số còn lại không bị nhiễm virus cúm.
Hiện khu vực gây nuôi bảo tồn của vườn quốc gia Cúc Phương còn 8 cầy vằn, một cầy mực còn sống. Theo Giám đốc Cảm, dù chưa xác định chính xác nguyên nhân làm nhiều động vật ở vườn quốc gia chết, song kết quả xét nghiệm cho thấy virus cúm H5N1 đã xuất hiện tại đây và có nguy cơ lan rộng.
Cầy vằn tên khoa học là Chrotogale owstoni, là loài động vật có vú, họ chó. Chúng kiếm ăn ở ven rừng, bờ sông, suối, nương bãi, bờ ruộng và ăn động vật nhỏ (giun đất, nhái, ngoé, côn trùng, chuột...), ăn cả quả khô, lá, cỏ, nhưng rất ít. Việt Nam liệt cầy vằn vào loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng, bị cấm buôn bán. Hiệp hội bảo tồn thế giới liệt cầy vằn vào loại sẽ bị tuyệt chủng, cần được ưu tiên bảo tồn. |
Ông Cảm phân tích thêm: "Lưới bảo vệ cầy vằn là loại B40, mắt thưa nên chim hoang dã, chuột, loại trung gian truyền bệnh cúm H5N1, vẫn thường chui vào. Nguồn thức ăn là giun và thịt bò sống được lấy ở ngoài khu vực vườn, rất có khả năng mang mầm bệnh. Thêm vào đó, hố phân của cầy vằn dù được đậy nắp, nhưng chỉ cách trục đường chính của vườn quốc gia có 5 m, nên cũng có khả năng làm lây bệnh".
Để bảo vệ cầy vằn cũng như các loài động vật khác, Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương sẽ lấy mẫu 8 cầy vằn sống để xét nghiệm virus cúm H5N1, xác định kháng thể để có hướng phòng chống và dập tắt dịch. Trung tâm cũng đề nghị đề nghị Ban quản lý vườn quốc gia Cúc Phương giám sát diễn biến dịch cả trong và ngoài vườn, khi có chim, thú chết phải lấy mẫu gửi đến Trung tâm xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Bên cạnh các biện pháp dịch tễ, Trung tâm đề nghị Ban quản lý cần nâng cao sức đề kháng của cầy vằn bằng các loại vitamin, nấu chín thức ăn nhằm tiêu diệt virus có thể tiềm ẩn trong đó. Các biện pháp như tiêu độc khử trùng chuồng nuôi; làm tấm lưới mắt nhỏ để ngăn chặn chim, chuột, sóc chui vào; xây dựng khu cách ly vùng dịch cũng được áp dụng.
Trước đó, khoảng tháng 6-7/2005, tại vườn quốc gia Cúc Phương đã có ít nhất 3 cầy vằn chết vì virus cúm H5N1. Thời điểm đó, nguyên nhân nhiễm bệnh được cho là "rất khó hiểu", vì số động vật chết được nuôi nhốt cùng chuồng với 20 con khác hoàn toàn khỏe mạnh. Các chuồng lại rất sát nhau. Hơn nữa, cầy vằn ăn thịt lợn, sâu và hoa quả, chứ không phải thịt gà.
Cúm gia cầm đã lan ra 8 tỉnh Cục Thú y cho biết, 8 tỉnh có dịch cúm gia cầm là Quảng Ninh, Tuyên Quang, Ninh Bình, Vĩnh Long, Phú Thọ, Hà Nam, Hà Nội và Quảng Trị. Mỗi tỉnh có 1-2 ổ dịch. Tại Hà Nội, ổ dịch mới nhất được phát hiện hôm 6/3, ở một hộ chăn nuôi của xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn làm trên 2.000 trong tổng đàn 3.600 gia cầm chết. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 4 người chết vì virus cúm gia cầm. |
Hồng Khánh