Nhà phải có sân vườn mới nên thiết kế cầu thang ngoài trời. Ảnh: TGTD |
Cầu thang này có vai trò hỗ trợ cho cầu thang bên trong nhà. Bạn có thể đi lên ngay phòng khách phía trên thay vì phải đi xuyên qua nhà để xe. Để có thể thiết kế cầu thang ngoài trời, cần một diện tích đủ rộng. Thông thường chỉ thiết kế cầu thang ngoài trời khi có một khoảng sân hoặc vườn trước nhà. Hiếm khi cầu thang trời được thiết kế liền với đường hoặc ngõ vào nhà.
Cầu thang ngoài trời là một phần của ngoại thất. Vì thế, phải lưu ý tới kiểu dáng sao cho phù hợp với mặt tiền ngôi nhà. Để tiết kiệm diện tích, thang thường được đặt về một bên, men theo mép tường. Thông thường, nên thiết kế hình chữ L và tạo chiếu nghỉ ở khúc gập, giúp cho thang không bị thẳng tuột, thiếu thẩm mỹ, đồng thời khiến việc lên xuống không bị mỏi chân. Về phong thủy, điều đó cũng tránh được cho việc cửa ra vào thẳng với cầu thang, vượng khí trong nhà sẽ trôi đi mất.
Thang ngoài trời nên thiết kế hình chữ L, có chiếu nghỉ. Ảnh: TGTD |
Nếu căn nhà có diện tích tương đối thoải mái, có thể thiết kế cầu thang ngoài trời nằm chính giữa ngôi nhà, lối lên xuống đối xứng hai bên. Kiểu thiết kế này phù hợp với những ngôi biệt thự hoành tráng, tôn vẻ bề thế cho ngôi nhà. Ngược lại, nếu diện tích bị hạn chế, có thể chọn kiểu cầu thang xoắn ốc. Với đặc điểm quây tròn nên kiểu cầu thang này chỉ cần một không gian tối thiểu, nhưng vẫn phải đảm bảo đường kính vừa đủ (từ 1,5 đến 2 m). Nếu khoang cầu thang quá chật sẽ tạo cảm giác khó chịu khi lên xuống. Ngoài ra, bậc thang cũng cần có độ cao vừa phải, không nên vì tiết kiệm diện tích, thiết kế bậc quá cao dẫn đến việc lên xuống khó khăn.
Khác với cầu thang trong nhà thường được trang trí với lọ gốm, tượng... cầu thang ngoài trời có thể tận dụng để bày chậu cây cảnh. Màu xanh sẽ mang thiên nhiên đến gần hơn với ngôi nhà. Và cần chủ ý làm vệ sinh sạch sẽ, vì thang ngoài trời sẽ có tần suất sử dụng ít hơn thang trong nhà.
(Theo Thế Giới Tiêu Dùng)