Thứ năm, 18/4/2024
Thứ năm, 7/1/2021, 14:46 (GMT+7)

Cầu Thăng Long ngày đầu thông xe

Hà NộiSau 5 tháng sửa chữa, cầu Thăng Long đón cả chục nghìn phương tiện lưu thông trong ngày đầu thông xe, sáng 7/1.

Sau 5 tháng sửa chữa, cầu Thăng Long mang diện mạo mới và thông xe vào sáng 7/1.

Ông Đặng Văn Chung, Phó vụ trưởng An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho hay, trước khi sửa chữa cầu Thăng Long, mỗi ngày có khoảng 20.000 lượt phương tiện lưu thông trên cầu. Hôm nay, phương tiện lưu thông có thể tăng hơn trước đây do cầu Thăng Long sau khi sửa chữa xong đã nối thông với vành đai 3 trên cao Hà Nội.

"Những ngày tới, lượng xe lưu thông từ vành đai 3 đến cầu Thăng Long sẽ tăng dần, có thể gây ùn tắc cục bộ tại các nút giao như Mai Dịch", ông Chung đánh giá.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành đi thị sát cầu.

Việc hoàn thành việc sửa chữa cầu Thăng Long sẽ khớp nối đồng bộ với tuyến đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tạo thành trục xuyên suốt kết nối trung tâm TP Hà Nội đến sân bay Nội Bài và khu vực lân cận.

"Việc sửa chữa cầu Thăng Long rất quan trọng bởi cầu kết nối phía bắc và phía nam đất nước qua sông Hồng. Cầu được thông xe sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông một trong những cửa ngõ thủ đô, phục vụ tốt việc đi lại của người dân dịp đầu năm mới 2021", Phó thủ tướng nói.

Cầu Thăng Long áp dụng công nghệ sửa chữa bằng kết cấu liên hợp nhẹ như hàn đinh neo plasma, đổ bê tông siêu tính năng để kết dính; sau đó thảm bê tông nhựa.

Nhiều tài xế bày tỏ vui mừng trước việc cầu Thăng Long hoàn thành sửa chữa và nối thông với đường Vành đai 3 trên cao. "Di chuyển từ phía nam sang phía bắc thành phố có thể đi đường trên cao từ cầu Thanh Trì đến cầu Thăng Long. Tốc độ lưu thông được rút ngắn so với đi đường vành đai 3 bên dưới và qua cầu Nhật Tân", một tài xế cho hay.

Hành lang cho người đi bộ trên mặt cầu có chiều ngang 2 m.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, dự án sửa chữa cầu Thăng Long hoàn thành vượt tiến độ 10 ngày, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và kết quả thử tải độ cứng của cầu tăng lên khoảng 2 lần so với trước đây.

Hệ thống khe giãn cách trên mặt cầu được làm mới hoàn toàn so với trước.

Ngay sau lễ thông xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp ngăn chặn xe quá tải lên cầu. Thanh tra giao thông đã đặt trạm cân tại đường 5 kéo dài và kiểm tra các xe có dấu hiệu quá tải lưu thông trên một số tuyến đường gần cầu Thăng Long.

Là địa phương tiếp nhận công trình, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Hà Nội, cảm ơn sự nỗ lực của đơn vị liên quan "lao động ngày đêm để hoàn thành dự án". Ông cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp phân luồng, ngăn chặn xe quá tải để đảm bảo chất lượng cây cầu.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng nhìn từ trên cao.

Cây cầu này được xây dựng từ năm 1974, hoàn thành vào năm 1985; nhịp chính vượt sông dài 1.680 m. Cầu gồm 2 tầng: Cầu đường sắt và xe thô sơ ở tầng dưới và cầu đường ôtô nằm ở tầng trên.

Sau khi được sửa chữa, mặt cầu Thăng Long đảm bảo tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng tối thiểu là 30 năm và lớp phủ bê tông nhựa 10 năm, theo Tổng cục đường bộ Việt Nam.

Dòng phương tiện trên đường vành đai 3 hướng đến cầu Thăng Long trong sáng 7/1.

Trải qua hơn 30 năm sử dụng và 2 lần duy tu lớn, cầu vẫn xuống cấp. Năm 2020, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, được phê duyệt với tổng mức đầu tư 269 tỷ đồng.

Giang Huy - Đoàn Loan