Thanh Vân -
- Cuốn “Con chuồn chuồn đẹp nhất” của anh vừa đoạt giải bạc Sách hay ( Giải thưởng Sách Việt Nam 2011). Đây cũng là sáng tác văn học đoạt giải cao nhất năm nay vì 3 giải vàng đều được dành cho thể loại sưu tầm nghiên cứu. Cảm giác anh thế nào?
- Tôi lâu nay vốn không mấy hâm mộ các giải thưởng văn chương chính thống ở xứ ta. Một phần vì lần nào đoán kết quả cũng sai bét. Một phần vì những giải thưởng đáng kể thì mình không đoạt được, còn những giải thưởng đoạt được lại… không đáng kể.
Giải thưởng lần này khiến tôi hơi bất ngờ vì nó dành cho một tập thơ, mà lại là thơ thiếu nhi. Bất ngờ không kém là ngoài Con chuồn chuồn đẹp nhất, giải thưởng còn được trao cho một tác phẩm văn học khác của Kim Đồng: tập truyện Xúc cảm nguy hiểm viết cho tuổi teen của Phan Hồn Nhiên (giải đồng Sách hay). Tôi là người đượcgiao nhiệm vụ thực hiện tủ sách Tuổi mới lớn khi vừa chân ướt chân ráo về NXB Kim Đồng. Mười năm đã trôi qua, có rất nhiều cuốn sách hay đến với bạn đọc kể từ khi tủ sách ấy chào đời, đến tận bây giờ mới có một cuốn được chính thức trao giải thưởng. Muộn, nhưng thôi, còn hơn là không.
- Sau "Con chuồn chuồn đẹp nhất”, anh dành thời gian thế nào cho thơ thiếu nhi?
- Thời gian tôi dành cho thơ như "miếng da lừa" trong câu chuyện của văn hào Balzac, càng ngày càng bị gặm nhấm, bị co rút bởi trăm thứ nhu cầu và những việc không tên khác. May là cái hứng thú làm thơ và đọc thơ đông tây kim cổ viết cho thiếu nhi vẫn xuất hiện đầu tiên mỗi khi tôi có chút thời gian thư thả.
|
Nhà thơ Cao Xuân Sơn. |
- Tạm gác qua chuyện nội dung, anh đánh giá thế nào về sự phát triển về mặt hình thức của các loại sách do các NXB ấn hành hiện nay?
- Bạn thấy đấy, sách Việt ngày càng đẹp. Sách Kim Đồng được các nhà phân phối lớn trong nước đánh giá là ngày càng hay, ngày càng đẹp. Trong nhiều năm qua, chúng tôi luôn kiên trì với định hướng lớn nhất là sách cho các em phải "vừa hay vừa đẹp", hay nói như họa sĩ - giám đốc Phạm Quang Vinh: "Mỹ thuật là nội dung thứ hai của sách Kim Đồng".
Những năm gần đây, công nghệ in ấn phát triển nhanh, thị trường giấy in sách cũng “trăm hồng ngàn tía” về chủng loại, chất liệu, mẫu mã… giúp cho những người làm sách, nhất là sách thiếu nhi có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, so với việc nâng cao công suất và số lượng thiết bị in ấn, việc đầu tư các chủng loại thiết bị hiện đại cho khâu thành phẩm ở các cơ sở in trong nước là chưa tương xứng. Các thiết bị tiến tiến, hiện đại chuyên dùng cho khâu thành phẩm sẽ mở ra những cánh cửa mới giúp cho các họa sĩ thiết kế sách thỏa sức sáng tạo, đa dạng hóa các kiểu bìa sách, gáy sách, nhất là mảng sách dành cho thiếu nhi ở các lứa tuổi…
- Điều gì làm anh quan tâm về tình hình đời sống văn học trong nước năm qua?
- Cũng không có gì nổi bật, trừ một vài sự kiện lùm xùm xuất phát từ những vấn đề có vẻ không hẳn thuộc về văn chương. Trong giới showbiz năm qua rộ lên hội chứng cho nổ những quả mìn scandal tự tạo. Tôi sợ rồi nay mai “khói lửa” từ những vụ nổ ấy bén cả sang làng chữ nghĩa thì nguy to!
![]() |
Bìa cuốn "Con chuồn chuồn đẹp nhất". |
- Cuốn sách gần đây anh đọc là gì?
- Cuốn Tạng thư sinh tử của Sogyal Rinpoche với bản dịch của Ni sư Trí Hải. Gần đây nhất là cuốn Thực vật Thảo Cầm Viên - những bí mật lạ lùng của Phan Việt Lâm (vừa được Kim Đồng in và phát hành). Cuốn trước nhẹ nhàng dạy tôi cách nhìn xuyên hai mặt sinh tử của tờ giấy mỏng có tên là cuộc sống. Cuốn sau cho tôi tâm thế an nhiên và con mắt xanh non của cỏ cây.
- Ngoài chuyện văn chương, anh quan tâm đến điều gì?
- Tôi thuộc tuýp người không biết "ăn kiêng thông tin". Ngoài tất cả những thứ đó, tôi vẫn chắt mót thời gian cho thú vui khó bỏ: bóng đá và nhiếp ảnh. Nhiều thứ quá chăng? Chẳng có gì tuyệt bằng mỗi dịp cuối tuần được cùng vài ba người bạn ảnh thân thiết phóng xe máy lang thang đây đó chụp choẹt linh tinh những gì mình thấy, mình thích. Những chuyến “phượt” như vậy luôn cho mình cảm giác được sống thật sự, sống đến từng chân tơ kẽ tóc, chứ không phải “chuẩn bị sống”.
Tuy nhiên, bóng đá trong nước hoàn toàn nằm ngoài đời sống của tôi từ lâu, bởi nó đã làm tôi chết điếng quá nhiều lần
- Nhà văn Trang Thế Hy luôn dành tình cảm đặc biệt cho anh. Anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm gắn bó giữa anh và một cây bút đáng kính trong nghề như thế?
- Do hoàn cảnh riêng, khi ông còn ở Sài Gòn mà chưa "đi chỗ khác chơi", tôi may mắn ở gần và tìm được ở ông một chỗ trú ẩn tin cậy cho tâm hồn khi tai ương giáng xuống đầu mình. Ông đã cho tôi những lời răn gan ruột của một người cầm bút mà số phận "ưu ái" dành cho khá nhiều thử thách nghiệt ngã, từ đó mang nặng những món nợ nước mắt không dễ trải lòng. Chẳng hạn, một lời răn thế này: "Những gì không yêu mến hoặc chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu mến".
Nhân cách và tài năng của ông khiến tôi đặc biệt kính trọng. Sự chia sẻ của ông về các tác giả lớn như: R. Tagore, Lỗ Tấn, Hemingway… đã khai mở nhiều khoảng tù mù u tối trong tôi. Ngoài truyện ngắn, tình yêu mà ông - một nhà văn luôn nghiêm cẩn và dè dặt trước từng trang giấy trắng - dành cho thi ca cùng những bài thơ do chính ông viết ra luôn đem đến cho tôi những bất ngờ thích thú. Chưa hết, ông là người nấu ăn rất ngon. Gu ẩm thực của tôi rất hợp với ông…
- Ngoài Trang Thế Hy, anh còn có mối quan hệ thân thiết với những bậc tiền bối nào trong làng văn?
- Cũng không nhiều lắm, kể tên ra e là không tiện. Năm vừa rồi, hai trong số họ đã lặng lẽ giã biệt tôi để vĩnh viễn hóa thân vào trời xanh mây trắng nắng vàng: nhà thơ đồng hương Hoài Anh và nhà văn đa cảm Trần Hoài Dương.
- To lớn, dềnh dàng, nói chuyện như “sấm” nhưng tóc lại bồng bềnh như lãng tử (có độc giả gọi anh như thế). Hình như ở anh hội đủ mọi sự mâu thuẫn, anh có thấy vậy không?
- Không. Sao tôi không thấy gì nhỉ? Chẳng lẽ tôi lại "dị" vậy sao? Tôi thấy tôi giống mọi người, nghĩa là “một thể thống nhất trong các mặt đối lập" mà? Mà nếu có điều gì đó khác thường thì nghĩa là… trời sinh ra thế, biết làm sao được?
- Con trai anh cũng là một dịch giả trẻ được báo chí nhắc đến gần đây. Điều gì khiến anh tự hào về các con của mình nhất?
- Hai đứa con tôi được sinh ra từ hai bà mẹ khác nhau nhưng trong cách chúng thương yêu, giận dỗi nhau, không một ai, kể cả chính tôi nhớ ra điều đó. Với tôi, đó chính là món quà vô giá đến từ số phận. Con trai tôi đang bước những bước tự lập đầu tiên vào đời. Tôi để mặc nó làm những gì nó thích: dịch thuật, vẽ truyện tranh, biên soạn sách, thiết kế mỹ thuật, làm phim quảng cáo… Với những trải nghiệm bước đầu, chưa thể nói trước được điều gì. Bảo Trân, con gái tôi, năm nay lớp 8, năm thứ 5 hệ trung cấp violon ở Nhạc viện TP HCM, một fan chính hiệu của ông anh khổng lồ (1,85 m).
- Hiện tại anh làm quản lý tại Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP HCM, anh thấy công việc này thế nào?
- Khá mệt. Phải tự tay cắt giảm rất nhiều thú vui và xua đuổi tất tần tật những cám dỗ chết người khỏi thực đơn hàng ngày. Bù lại, được vợ khen vì chịu khó về… ăn cơm nhà nhiều hơn.
- Vai trò quản lý ảnh hưởng đến việc sáng tác của anh ra sao?
- Trong tình cảnh hiện nay, “nàng thơ” mảnh dẻ, yếu đuối, nết na của tôi đành phải khép nép, nhẫn nhịn đứng né sang một bên, nhường đường cho công việc hàng ngày huỳnh huỵch bước đi trước. Tuy nhiên, đêm về thì mọi việc hoàn toàn có thể đảo ngược. Bạn biết đó, các nàng, kể cả nàng thơ luôn là những “cô nàng lắm chiêu”, không dễ chấp nhận thua thiệt. Đôi khi, nàng bất thần túm lấy… tim mình, làm lóe lên một cái tứ, một đôi câu nào đó. Mỗi lần như thế, tôi sẽ tranh thủ ghi vội ý tứ vào điện thoại, rảnh rỗi sẽ đem ra viết tiếp. Cũng không đến nỗi nào.
- Trong năm mới, kế hoạch sáng tác của anh là gì?
- Nếu không có gì thay đổi, tập thơ Mùa xuân của nghé con gồm 45 bài sẽ được in trong kế hoạch sách chính phủ tài trợ cho thiếu nhi miền núi của NXB Kim Đồng. Tập thơ mới dành cho người lớn, phần bản thảo đã xong khá lâu nhưng chưa in ra được, phần vì bận, phần vì… lười. Cả chục năm rồi kể từ sau tập Chuông lá, năm 2012 này có lẽ cũng nên in thêm một tập nữa chăng?
Tuy nhiên, dù in hay không, tôi vẫn viết như một nhu cầu tự thân. Cái thời thơ ca in ấn khó khăn có lẽ đã xa rồi, bây giờ viết sao cho hay, cho “đã” mới thật là khó.
- Điều mong ước lớn nhất của anh trong năm mới?
- Bớt đi những thảm án, những vụ cháy nổ xe, những vụ trẻ con bị người lớn hành hạ… Ôi, nhiều quá, mà nghe chừng mong ước nào cũng… lớn nhất cả!