Tại khu công nghiệp nơi xảy ra vụ đình công, ông Tú đã gặp giám đốc Văn phòng Lao động, thuộc Bộ Lao động Jordan, đồng thời trao đổi với Phó cảnh sát trưởng Sahab, nơi có khu công nghiệp. Cả hai người này đều phủ nhận đã làm hại đến công nhân VN mà chỉ ngăn chặn họ đánh nhau.
"Phó trưởng cảnh sát Sahab cho rằng, cảnh sát đã bị công nhân VN tấn công và có thể sẽ kiện ra tòa. Nhưng nếu các công nhân chấp nhận quay trở lại làm việc thì họ sẽ bỏ qua", ông Tú cho biết.
Sau khi xảy ra vụ đình công của 261 công nhân Việt Nam, công ty W&D Apparel đã sửa đổi lương cho công nhân, trung bình 280-300 USD. Trừ chi phí, công nhân sẽ được hưởng mức lương 210-230 USD cho tháng 1.
Đến ngày 4/3, đã có 85 trong số 261 công nhân đình công đã quay trở lại làm việc. 176 người khác vẫn tiếp tục đình công và từ chối đối thoại. Ông Tú cho biết, phía VN đang yêu cầu Bộ Lao động Jordan cùng phối hợp điều tra để bảo vệ lợi ích an toàn cho công nhân VN.
Trao đổi với báo chí chiều 4/3, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh xã hội cho biết, dựa trên các thông tin nhận được, chưa thể kết luận việc cảnh sát Jordan đánh công nhân VN. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc đình công của công nhân có thể do chế độ lương thưởng mà giữa công nhân và công ty không có sự giải thích rõ ràng.
Trước đó, theo thông tin từ một số lao động, họ đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Da giày và Công ty cổ phần than VN để sang Jordan làm việc với mức lương tháng trên 200 USD. Tuy nhiên, khi sang tới nơi, họ chỉ được trả trên 100 USD một tháng, lại phải làm việc quá thời gian quy định trong hợp đồng. Công nhân đã bãi công để yêu cầu công ty phải tuân thủ hợp đồng...
Nguyễn Hưng