Tại buổi giao lưu trực tuyến do báo Công an Nhân dân tổ chức sáng 22/11, trước câu hỏi: "Làm sao người dân có thể phân biệt cảnh sát giao thông đi làm nhiệm vụ thật được hóa trang và những kẻ giả danh để trục lợi?", thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên (Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Bộ Công an) cho biết, theo Thông tư 65 cảnh sát hóa trang không được phép đi một mình mà phải có lực lượng công khai đi kèm.
* Clip: Cục trưởng Tuyên nói về Thông tư 65 của Bộ Công an |
![]() |
Từ ngày 22/11, cảnh sát giao thông được phép mặc thường phục để phát hiện lỗi vi phạm của người đi đường. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cục trưởng nhấn mạnh, trách nhiệm của người hóa trang là phát hiện người vi phạm sau đó báo cho đồng đội của mình mặc sắc phục để xử lý. Trong trường hợp đặc biệt, người được phép hóa trang vẫn có thể cho dừng xe để ngăn chặn những hành vi nghiêm trọng có thể dẫn đến chết người.
"Khi ra đường làm việc cần tuân theo kế hoạch, đặc biệt phải có giám sát chứ không phải người được phép hóa trang muốn làm gì thì làm", tướng Tuyên nhấn mạnh.
Từ ngày 22/11, Thông tư 65 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát giao thông đường bộ thay cho thông tư 27/2009 có hiệu lực. Theo thông tư mới, tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí cán bộ mặc thường phục để giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện đấu tranh ngăn chặn các vi phạm pháp luật trong địa bàn được phân công. Khi phát hiện vi phạm phải báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định. Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một tổ phải giữ khoảng cách thích hợp để luôn có sự phối hợp chặt chẽ.
Thông tư 65 nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp hóa trang trái quy định của pháp luật để sách nhiễu, phiền hà, gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Thái Thịnh